Thứ bảy, 27/04/2024 02:04 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/09/2022 15:00 (GMT+7)

Phát triển điện rác tại Đồng Nai vẫn chỉ trên giấy

Theo dõi KTMT trên

Được đề xuất đầu tư từ năm 2017 nhưng đến nay các dự án điện rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chỉ nằm trên giấy.

Phát triển điện rác tại Đồng Nai vẫn chỉ trên giấy - Ảnh 1
Phát triển điện rác sẽ giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt tại Đồng Nai

Theo tìm hiểu, năm 2017, một doanh nghiệp đề xuất triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) với diện tích 12ha, công suất 1,2 ngàn tấn rác/ngày và tổng vốn đầu tư hơn 2 ngàn tỷ đồng.

Sau đó, UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào năm 2018. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn chưa thể tiến hành các bước lập hồ sơ, mời thầu, triển khai.

Sau đó, năm 2019 Công ty CP Dịch vụ Sonadezi cũng đề xuất thực hiện Dự án Nhà máy điện rác tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất). Để thực hiện dự án này, Chủ đầu tư đã quy hoạch sẵn hơn 3ha, chuẩn bị nguồn lực về tài chính, tìm hiểu công nghệ và xây dựng kế hoạch đầu tư với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xử lý 150 tấn rác/ngày. Doanh nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai trình Bộ Công thương, Chính phủ bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh để triển khai nhưng đến nay chưa được duyệt.

Thông tin về tình hình phát triển điện rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Công thương - Thái Thanh Phong cho biết, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2018, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng nhà máy và bán điện cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Nói về nguyên nhân chậm triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời điểm đó dự án chưa thực hiện được vì đất thực hiện dự án là đất công, phải xác định đấu giá hay giao đất cho nhà đầu tư nên bị chững lại. Còn dự án Nhà máy điện rác tại xã Quang Trung, doanh nghiệp nôn nóng thực hiện, UBND tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công thương vào tháng 4-2021 nhưng thời điểm đó Bộ đang làm Quy hoạch điện VIII, vì thế không bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VII.

“Hiện Quy hoạch điện VIII Bộ Công thương đang làm theo hướng không ghi cụ thể từng dự án mà phân bổ trong 5-10 năm mỗi địa phương được bao nhiêu MW điện sinh khối (điện rác, điện mặt trời, điện gió…). Trên cơ sở được phân bổ, địa phương đề xuất dự án. Các dự án điện sinh khối được hưởng ưu đãi về đầu tư, bán điện theo quy định”, ông Thái Thanh Phong thông tin.

Thông tin về dự án điện rác tại xã Quang Trung, Giám đốc Khu xử lý chất thải xã Quang Trung Trần Thị Thúy cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, quỹ đất, khi có quyết định đầu tư sẽ bắt tay vào làm ngay. Dự án dự kiến đầu tư 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 xử lý chất thải 150 tấn/ngày và công suất phát điện là 3,4MW, một phần điện sẽ được sử dụng cho hệ thống lò sấy, còn lại phát lên lưới để bán điện cho ngành điện. Giai đoạn 2 và 3, tùy theo hiệu quả kinh tế mà giai đoạn 1 đem lại để quyết định đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 27 triệu USD, trong đó 30% của công ty còn lại vay.

Nhận định về hiệu quả của các dự án đốt rác phát điện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai - Trần Trọng Toàn cho hay, đốt rác phát điện là công nghệ đang được khuyến khích đầu tư vì không chỉ xử lý triệt để rác, mà còn có thể thu hồi năng lượng tái sinh và góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Hiện một số tỉnh, thành phố đã có dự án đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường.

Thông tin về phát triển địa rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Võ Văn Phi cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh vừa diễn ra ngày 22/9, HĐHD tỉnh đã thống nhất cao và thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Dự án quy mô 12ha, giai đoạn 1 xử lý 800 tấn rác/ngày và công suất phát điện 20MW; giai đoạn 2 nâng xử lý 1,2 ngàn tấn/năm và công suất phát điện là 30MW điện. Tổng mức đầu tư hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 17%, còn lại huy động, không sử dụng ngân sách.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian tới đây, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành hoàn tất các thủ tục để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu và PPP. Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu có năng lực và kinh nghiệm, sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến, xử lý tro bay và tro đáy theo quy định về môi trường. Mục tiêu giai đoạn 1 sẽ vận hành vào năm 2025 và sau năm 2030 thực hiện giai đoạn 2.

Thư Vũ

Bạn đang đọc bài viết Phát triển điện rác tại Đồng Nai vẫn chỉ trên giấy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới