Phát triển bền vững thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên
Các sản phẩm chè Thái Nguyên đã được khẳng định trên thị trường trong nước, có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới.
Thu hái chè tại vùng chè Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN) |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có trên 22.300ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn nhất cả nước với năng suất chè búp tươi đạt trên 118 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hơn 240.000 tấn/năm.
Cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực, đem lại giá trị kinh tế lớn cho địa phương, giá trị sản phẩm thu được bình quân khoảng 300-500 triệu đồng/ha, tại các vùng chè đặc sản có thể đạt từ 500-800 triệu đồng/ha.
Các sản phẩm chè Thái Nguyên đã được khẳng định trên thị trường trong nước, có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới.
Sản xuất chè đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng nông thôn mới, phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững ở địa phương và là phần thu nhập chủ yếu, quan trọng của trên 91.000 hộ làm chè trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản.
Đến năm 2020, diện tích chè giống mới đạt trên 18.200ha, chiếm 80% diện tích chè toàn tỉnh.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, Thái Nguyên đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng.
Hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ.
Hiện Thái Nguyên đã có gần 20 % diện tích chè cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, sản xuất theo hướng hữu cơ.
Các hộ trồng chè đều ứng dụng thành thạo quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học, phát triển mạnh tưới chủ động, tưới tiết kiệm.
Hiện sản lượng chè chế biến các loại của tỉnh đạt gần 48.000 tấn; trong đó, chủ yếu là sản phẩm chè xanh truyền thống, chế biến theo quy mô nông hộ, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, có những mô hình chế biến chè ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thành phẩm, có bao bì nhãn mác.
Trong hơn 1 năm qua, Thái Nguyên tập trung phát triển sản phẩm OCOP và đã có 24 sản phẩm OCOP từ chè, xếp hạng từ 3 đến 4 sao. Nhờ vậy, chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè ở Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt.
Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, Thái Nguyên đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè Thái Nguyên, phát triển hiệu quả nhãn hiệu tập thể "chè Thái Nguyên", thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý ‘‘Chè Tân Cương” thành phố Thái Nguyên và các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý khác của các vùng chè, làng nghề chè thuộc các huyện, thành phố, thị xã, như: “Chè La Bằng” huyện Đại Từ...
Tỉnh đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về chè, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chè Thái Nguyên tham gia nhiều cuộc thi chất lượng chè quốc tế và đã đạt được những giải rất cao...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chè bền vững, điển hình như Đề án phát triển chè và những chính sách hỗ trợ phát triển như hỗ trợ giống, sản xuất chè an toàn, chứng nhận VietGAP, hỗ trợ phát triển tưới tiết kiệm, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... đồng thời thực hiệu lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển chè.
Riêng trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách, Thái Nguyên hỗ trợ gần 200 tỉ đồng cho phát triển cây chè; trong đó nguồn xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 107 dự án sản xuất liên kết chuỗi hơn 65 tỉ đồng...
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khẳng định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, đầu tư phát triển chè là nhiệm vụ, giải pháp đột phá góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững...
Thu hoạch chè búp tươi. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè của toàn tỉnh đạt 24.000ha; trong đó, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, 80% trở lên diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới chủ động, tiết kiệm nước.
Cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống, Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến đa dạng hóa các sản phẩm chè và các sản phẩm có nguồn gốc từ chè như các loại đồ uống, bánh, kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thái Nguyên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi an toàn, chất lượng cao, phát triển phong phú các loại sản phẩm chè nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất chè.
Từ đó, phát triển hiệu quả các thương hiệu chè Thái Nguyên, gắn phát triển các vùng chè truyền thống với văn hóa, du lịch trải nghiệm, thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho phát triển chè bền vững...
Hoàng Thảo Nguyên