Thứ sáu, 22/11/2024 19:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/09/2020 08:15 (GMT+7)

Trà hoa vàng - sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của đồng bào Ba Chẽ

Theo dõi KTMT trên

Mô hình trồng trà hoa vàng đang được huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển tại nhiều xã vùng cao của huyện như Đồn Đạc, Thanh Sơn, Đạp Thanh… góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, thu nhập của gia đình Anh Chíu Sinh Phạn, người dân tộc Dao ở xã Đồn Đạc chủ yếu nhờ vào 1 ha trồng keo và quế. Khi chính quyền địa phương vận động xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng, anh Phạn xin hỗ trợ cấp 300 cây giống. Sau 4 năm, 300 cây trà trong vườn đã cho thu hoạch hơn 2kg trà sấy khô, bước đầu tạo thu nhập hơn 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Phạn tiếp tục xin hỗ trợ, hiện vườn trà hoa vàng của anh đã có gần 1.000 cây tươi tốt.

“Nhận thức về giá trị của cây trà hoa vàng có hiệu quả rất cao cho thu nhập trong gia đình. Lúc đầu cũng khó khăn về cây giống, rồi được Nhà nước cũng như là huyện Ba Chẽ quan tâm về giống. Từ lúc bắt đầu trồng cây trà hoa vàng thì thu nhập so với các loại cây khác là khá hơn” - anh Chíu Sinh Phạn nói.

Trà hoa vàng - sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của đồng bào Ba Chẽ - Ảnh 1
Được đánh giá là dược liệu hiếm, trà hoa vàng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.

Không chỉ anh Phạn, nhiều hộ dân khác ở xã Đồn Đạc cũng đều nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ việc trồng loại cây dược liệu quý giá này. Anh Triệu Đức Tình đã đăng kí trồng 1.600 cây khi được huyện hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Gom góp hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm, xóa bỏ cây trồng cũ, anh Tình mạnh dạn đầu tư vào vườn trà với niềm tin cuộc sống sẽ đổi thay.

“Trồng keo thì không trồng được trà hoa vàng, phải trồng quế xong bắt đầu xem cây nào xấu mình chặt, để lại cây tốt đẹp để nó còn che phủ râm râm một tí không là nắng quá. Trồng trà hoa vàng phải trồng xen với quế mới được, trồng với keo thì không được, lúc khai thác hỏng hết. Chăm sóc cây hoa trà cũng không có gì khó khăn, hàng ngày cứ đi phát cỏ để không cho leo vào cây” - anh Tình chia sẻ.

Tính đến tháng 8/2020, huyện Ba Chẽ có khoảng 200 ha trồng trà hoa vàng với 2 công ty và 418 hộ dân. Năm 2019, toàn huyện thu hoạch 600 kg hoa sấy (tương đương 3.600 kg hoa tươi), 6 tấn lá khô (tương đương 18 tấn lá tươi) và hơn 100.000 cây giống, tổng thu 13,8 tỉ đồng, hiệu quả kinh tế cho các hộ dân tương đối ổn định.

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án “Trồng trà hoa vàng tại các doanh nghiệp được thuê đất và các hộ dân trên địa bàn” của huyện Ba Chẽ lại đang gặp nhiều khó khăn. Một phần do cây trà hoa vàng phải trồng vài năm mới cho thu hoạch. Thêm vào đó, giá bán trà hoa vàng trên thị trường khá cao, việc tiêu thụ sản phẩm ở địa phương cũng gặp khó, dẫn đến việc hàng tồn kho.

Trà hoa vàng - sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của đồng bào Ba Chẽ - Ảnh 2
Việc trồng trà hoa vàng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.

Để định hướng phát triển cho trà hoa vàng, ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn kĩ thuật cho bà con, đặc biệt là công tác thâm canh cây trồng phải theo đúng kỹ thuật. Trong năm 2020 sẽ tham mưu tổ chức lễ hội trà hoa vàng lần thứ 3. Mục tiêu là để quảng bá cho nhân dân trong nước và du khách biết được giá trị của cây trà hoa vàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô vùng trồng trà hoa vàng, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp để mở rộng cơ sở sản xuất chế biến”.

Trà hoa vàng là loài cây dược liệu quý, từ lâu đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, công dụng.

“Đối với Ba Chẽ thì trà hoa vàng là cây bản địa, vùng sinh thái rất là phù hợp. Theo nhận định của tôi thì trong thời gian tới, tiềm năng của cây trà hoa vàng đối với thị trường trong nước cũng như là nước ngoài sẽ tăng lên rất nhiều. Đối với quy mô vườn cây giống thì tôi thấy cũng rất là tốt, tất nhiên là thời gian tới cần phải có thêm nhiều nghiên cứu, khảo sát nguồn gen và bảo toàn cây giống, cây đầu dòng có nguồn gen tốt mang lại sản lượng cũng như là hàm lượng dược liệu tốt đối với sức khỏe con người” - PGS.TS Dương Văn Thảo, Trưởng khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm nhận định.

Việc phát triển mô hình trồng trà hoa vàng tại các xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang mang lại nhiều tín hiệu tốt. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bà con, việc phát triển quy mô ươm trồng và sản xuất diện rộng cũng giúp huyện Ba Chẽ phát triển kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh và con người Quảng Ninh thông qua sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đặc thù.

Thành Nam

Bạn đang đọc bài viết Trà hoa vàng - sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của đồng bào Ba Chẽ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới