Phát triển bền vững kinh tế du lịch ở Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Hải Tiến là một khu du lịch biển thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Với ưu thế là bãi biển còn khá hoang sơ, nước biển khá trong, sóng vừa phải, chỉ cách Hà Nội khoảng 155 km… Hải Tiến thật sự có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch.
Trong cuộc hội thảo “10 năm phát triển du lịch biển Hải Tiến”, nhiều ý kiến cho rằng, sau hơn 10 năm khai thác, mặc dù có 2 năm phải đóng cửa để chống dịch Covid-19, Hải Tiến đã được ghi nhận là điểm đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách. Tuy nhiên, quá trình khai thác khu du lịch Hải Tiến đang làm cho mức độ ô nhiễm rác thải sinh hoạt, khói bụi gia tăng, hoạt động phục vụ du khách ở nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp, giá cả của một số dịch vụ còn cao, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù… Để luôn mang lại cho du khách sự thú vị, hài lòng sau mỗi lần đến, cùng với cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn cho cư dân nơi đây, kinh tế du lịch ở Hải Tiến cần được phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý tốt hoạt động xây dựng công trình để có cảnh quan phù hợplàm tiền đề cho phát triển kinh tế du lịch ở Hải Tiến theo hướng bền vững.
Khu du lịch Hải Tiến khi mới khai thác chỉ có diện tích rất nhỏ. Sau nhiều lần điều chỉnh, Hải Tiến được quy hoạch định hướng phát triển thành khu đô thị có diện tích hơn 2.600 ha vào năm 2030, với không gian phát triển chính về phía Tây và Nam, kết nối với thành phố Sầm Sơn để hình thành dải du lịch ven biển từ Hải Tiến đến Nghi Sơn. Với tỷ lệ đất xây dựng là 12%, ưu tiên cảnh quan, không gian xanh và hoa, quy hoạch phát triển khu đô thị Hải Tiến đến năm 2030 cho thấy tầm nhìn của huyện Hoằng Hóa trong việc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế du lịch ở Hải Tiến. Tuy nhiên, quy hoạch và thực tế luôn có một khoảng cách. Vì vậy, những năm tới việc xây dựng, phát triển khu đô thị Hải Tiến, một mặt phải luôn bám sát quy hoạch, mặt khác phải kịp thời điều chỉnh quy hoạch nếu xuất hiện những vấn đề mới, có đủ cơ sở khoa học cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế du lịch của Hải Tiến.
Những năm qua, toàn Huyện đã được đầu tư xây dựng được trên 6.500 phòng nghỉ lưu trú cùng với nhiều nhà hàng, khu vui chơi… Bên cạnh đó, nhiều dự án đang trong giai đoạn triển khai. Kinh nghiệm và thực tế xây dựng ở các đô thị cho thấy nếu không làm tốt công tác quản lý xây dựng các công trình thì quy hoạch khu đô thị Hải Tiến sẽ dễ bị phá vỡ. Theo đó, một mặt, cần đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư, làm tốt việc hướng dẫn các thủ tục pháp lý cho các chủ đầu tư xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế du lịch, mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xây dựng. Chính quyền các cấp cần kiên quyết xử lý các công trình xây dựng sai quy hoạch, không đảm bảo kiến trúc, thẩm mỹ hoặc làm phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch trong khu đô thị Hải Tiến.
Hai là, kiên quyết giữ vững và nâng cao chất lượng môi trường.
Phát triển bền vững kinh tế nói chung, kinh tế du lịch ở Hải Tiến nói riêng luôn phải đảm bảo yếu tố môi trường. Khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thì không chỉ nhu cầu du lịch tăng lên, mà còn đòi hỏi chất lượng các sản phẩm du lịch cũng phải tăng lên tương ứng. Bên cạnh đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững và nâng cao chất lượng môi trường ở các địa điểm du lịch có vai trò hết sức quan trọng để thu hút và giữ chân du khách. Thực tế cho thấy, khu du lịch Hải Tiến đang trong quá trình phát triển với mức độ ô nhiễm rác thải sinh hoạt đang từng ngày, từng giờ gia tăng, có khu vực đã xuất hiện mùi xú uế. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí gây nên bởi khói, mùi dầu của phương tiện cứu hộ tại bãi tắm, ô nhiễm âm thanh tại khu vực cầu cảng cũng làm nản lòng du khách. Để khắc phục vấn đề trên, cần tích cực làm tốt công tác thu gom rác thải tại các bãi tắm, khu lưu trú; phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh du lịch và ý thức tự giác của du khách trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường; không kết hợp sử dụng mô tô nước cứu hộ để kinh doanh tại các bãi tắm; xây dựng và phát triển văn hóa du lịch cho các chủ thể kinh doanh du lịch và du khách; xử lý nghiêm các hành vi xả thải rác ra nơi công cộng…
Ba là, chủ động phát triển nguồn nhân lực và thường xuyên trang bị kiến thức làm du lịch biển bền vững cho người dân.
Nếu không chủ động về nhân lực thì không thể phát triển và phát triển bền vững. Hiện tại, nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế du lịch ở Hải Tiến còn thiếu, nhiều chủ thể kinh doanh còn làm du lịch theo kinh nghiệm, thiếu chiều sâu, dẫn đến thái độ chưa thân thiện với du khách và giá cả của các dịch vụ còn cao… Theo đó, để chủ động về nhân lực, Hoằng Hóa cần xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực cho du lịch, trọng tâm là phát huy vai trò của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Các nhà trường nên kết hợp giữa dạy học với tuyên truyền để cho học sinh trung học phổ thông của các xã Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ thấy được tiềm năng phát triển kinh tế du lịch ở Hải Tiến và cơ hội làm giàu trên chính quê hương của mình, từ đó học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Đảng bộ, chính quyền cũng nên kết hợp với các cơ sở đào tạo để mở các lớp học tại chỗ về kinh tế du lịch và phát triển kinh tế du lịch bền vững và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp kinh doanh các dịch vụ du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, Huyện cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho các chủ thể làm du lịch các vấn đề như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức về ẩm thực, kiến thức về phòng chống cháy, nổ,…
Bốn là, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, lựa chọn sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Tiến và tăng cường kết nối du lịch với các địa phương khác.
Với hơn 12 km bờ biển, là nơi gắn với nhiều địa danh lịch sử, tâm linh, Hải Tiến có thể phát triển nhiều sản phẩm du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, trải nghiệm, tâm linh và kết hợp các loại hình du lịch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch của Hải Tiến còn rất đơn điệu, chủ yếu là tắm biển và nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới, cần tăng cường khai thác du lịch tham quan, tâm linh đến các địa danh như Hoằng Trường là nơi có tượng đài Lão dân quân bắn rơi máy bay Mỹ; cồn Ba Cây, cồn Mã Nhón là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong Cách mạng tháng 8/1945; đền thờ Trạng Quỳnh, đền thờ Triệu Quang Phục, Lê Phụng Hiểu… Bên cạnh đó, Hoằng Hóa cũng cần đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá để du khách có thể ngược dòng sông Mã thăm Lạch Hới, Cồn Trường nơi có khu rừng bần, sú vẹt; qua bến Nguyệt Viên, bến Hàm Rồng thăm núi Ngọc, núi Rồng, động Tiến Sơn, hồ Kim Quy và nghiên cứu, phát triển du lịch trải nghiệm để du khách có thể khám phá, cảm nhận về cuộc sống của cư dân nơi đây.
Để thực hiện được các vấn đề nêu trên chính quyền các cấp cần khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hải Tiến kết nối với nhau và kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở các địa phương khác, từ đó hình thành các tour du lịch đa dạng, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của du khách; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần kết hợp các cơ sở lưu trú để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch và có chính sách thích hợp để khuyến khích du khách tận hưởng các sản phẩm du lịch của địa phương. Để giữ chân du khách, ngoài việc đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, cần nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Tiến.
Hải Tiến là khu du lịch biển còn khá hoang sơ, nhiều tiềm năng, nếu được quy hoạch tốt và thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho cả địa phương và du khách. Phát triển kinh tế du lịch theo hướng bền vững ở Hải Tiến là hướng đi đúng, đảm bảo cho kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Hoằng Hóa. Sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự ủng hộ của du khách sẽ giúp cho kinh tế du lịch ở Hải Tiến phát triển bền vững.
TS Phùng Văn Như
(Khoa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự)