Thứ bảy, 23/11/2024 05:38 (GMT+7)
Thứ ba, 08/06/2021 09:01 (GMT+7)

Phát hiện tính năng mới của nước khoáng nóng Thanh Thủy

Theo dõi KTMT trên

Nước khoáng nóng ở các xã La Phù, Bảo Yên (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) có chứa Radon là loại nước khoáng rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, theo dõi những biến đổi bất thường của nồng độ khí Radon tại đây còn có thể dự báo được động đất.

Từ năm 2000-2002, trong khi nghiên cứu đề tài khoa học về nước khoáng nóng tại các xã La Phù, Bảo Yên, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ, tiến sĩ Địa chất thuỷ văn Cao Thế Dũng, nguyên Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất nước khoáng, nay là Liên hiệp Khoa học Địa chất nước khoáng đã phát hiện ra vùng nước khoáng Radon (Rn) đầu tiên ở miền Bắc nước ta.

Giá trị khoa học và kinh tế

Cho đến nay, mỏ nước khoáng nước nóng này vẫn chưa được nghiên cứu điều tra tổng thể, chưa được khai thác hết tiềm năng dù nước khoáng nước nóng có Rn rất quý cho điều dưỡng.

Rn là khí phóng xạ có tính phân rã cao, điều đó giải thích vì sao Rn chỉ phát hiện được ở những trung tâm dị thường có nhiệt độ cao. Tại các trung tâm này, nước khoáng nước nóng được truyền dẫn trực tiếp từ dưới sâu lên, thời gian chưa đủ để Rn tự phân huỷ hết.

Phát hiện tính năng mới của nước khoáng nóng Thanh Thủy - Ảnh 1
Khoan thăm dò nước khoáng nóng tại Thanh Thủy.

Khi nước khoáng nước nóng xâm nhập, lan truyền và vận động vào tầng chứa nước mất nhiều thời gian thì nhiệt độ cũng giảm do truyền vào môi trường đất đá, nước ngầm và Rn cũng tự phân huỷ hết. Vì vậy, ra xa trung tâm nhiệt thì nhiệt độ của nước khoáng nước nóng giảm, Rn không còn phát hiện được.

Theo các nhà địa chất, nước khoáng nước nóng Thanh Thuỷ được hình thành và dẫn lên gần mặt đất từ đứt gãy sâu Sông Đà, nơi giao nhau với đứt gãy phương Tây Bắc - Đông Nam, tại vùng La Phù, Bảo Yên là nơi "xung yếu" tạo điều kiện cho nước khoáng nước nóng đi lên và xâm nhập vào lớp phủ đệ tứ có nguồn gốc sông, suối hỗn hợp.

Khi có sự hoạt động kiến tạo sâu trong lòng đất làm các đứt gãy lớn, đứt gãy sâu hoạt động trở lại gây dịch chuyển, dãn tách, ép nén, nâng hạ… các khối đất đá, tạo các đứt gãy mới, gây nên động đất, xâm nhập của mắc-ma hay núi lửa phun trào…

Các hoạt động này tạo điều kiện để các dòng nhiệt, nước khoáng nước nóng, các loại khí dưới sâu đi lên mặt đất. Vì vậy, nếu theo dõi được những biến đổi bất thường như tăng, giảm đột ngột của dòng nhiệt, của nồng độ khí Rn ở nơi có điều kiện địa chất “yếu” như vùng La Phù, Bảo Yên, huyện Thanh Thuỷ, các chuyên gia địa chấn có thể dự báo được động đất xảy ra trong thời gian gần ở khu vực Bắc Bộ và lân cận.

Giúp ngăn ngừa thảm họa

Thực tế gần đây nhất, chuyên gia địa chấn Giuliani của Viện Vật lý học thiên thể Italy khi phát hiện khí Rn tập trung với mật độ dày đặc ở các khu vực có cấu tạo địa chất không ổn định đã dự đoán được trận động đất lớn ở nước này hồi đầu tháng 4/2009.

Ngày nay có nhiều thiết bị và phần mềm hỗ trợ hiện đại nhưng tỉ lệ dự báo đúng và chủ động vẫn chưa cao, vùng xảy ra thiên tai chưa chủ động phòng tránh được và thảm hoạ nặng nề vẫn xảy ra.

Về lý thuyết, chúng ta biết rằng, sắp xảy ra động đất thì thường có những dấu hiệu bất thường về các sóng địa chấn, có sự xuất hiện của những vật chất lạ, khí lạ mà trong môi trường sống bình thường của chúng ta không có. Các sóng địa chấn, các vật chất lạ, khí lạ… thường gây nên những biến đổi bất thường về hành vi của con người và động vật.

Trở lại vùng nước khoáng nước nóng Thanh Thuỷ, thiên nhiên cho chúng ta một nguồn nước khoáng nước nóng rất quý, nhưng chúng ta chưa khai thác hết được giá trị, trong đó có giá trị làm nơi dự báo biến động của hoạt động địa chất, của động đất.

Các viện nghiên cứu, các tổ chức Khoa học - Công nghệ có chức năng nghiên cứu khoa học về Trái Đất, kiến tạo, môi trường, địa chất… nên quan tâm đến vùng đất này. Một dự báo đúng, một dự báo kịp thời sẽ góp phần giảm nhẹ được thảm hoạ thiên tai.

Cơ sở pháp lý khai thác nước dưới đất

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, để có thể khai thác nước dưới đất, các cá nhân, cơ sở phải được cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, dựa trên những quy định của pháp luật, bao gồm những giấy tờ chính sau:

1. Giấy phép khai thác nước dưới đất.

2. Giấy phép kinh doanh.

3. Xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường.

Vì vậy khi xem xét vi phạm của các cá nhân, cơ sở khai thác nước dưới đất phải chú ý đến các giấy phép kể trên.

Về nguyên tắc, muốn được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ có sử dụng nước dưới đất phải có giấy phép khai thác nước dưới đất và xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế không chỉ chú ý đến giấy phép kinh doanh mà còn phải quan tâm cả các loại giấy phép khác có liên quan.

Những vi phạm về khai thác sử dụng nước dưới đất có thể đến từ nhiều khía cạnh như đã phân tích ở trên. Vì vậy, các phóng viên điều tra rất khó nắm bắt cặn kẽ thực chất sai phạm ở khâu nào. Chỉ khi có chứng cứ xác đáng mới có thể chỉ ra sai phạm loại gì, ai sai phạm và mức độ sai phạm đến đâu.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn về khâu tác nghiệp nên có nhiều bài báo chưa đủ chứng cứ về sai phạm nhưng những dấu hiệu sai phạm được nêu trong các bài báo sẽ giúp các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ sự thật. Những bài báo đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường và một số tờ báo khác liên quan đến khai thác, sử dụng nước khoáng nóng ở Thanh Thủy, Phú Thọ là một ví dụ, cần các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.

KS Lê Tứ Hải và KS Hoàng Hiền (Liên hiệp Khoa học Địa chất nước khoáng)

Bạn đang đọc bài viết Phát hiện tính năng mới của nước khoáng nóng Thanh Thủy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới