Phát hiện nhiều sai phạm tại dự án Đầu tư cải tạo kênh Ba Bò
Theo Thanh tra TP. HCM, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn đã có vi phạm trong nhiều khâu từ lập, thẩm định phê duyệt dự toán, đấu thầu,… gây lãng phí và không đạt mục tiêu đã đặt ra tại dự án Đầu tư cải tạo kênh Ba Bò.
Kênh Ba Bò chảy qua địa bàn TP. HCM và Bình Dương là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường hàng chục năm qua. Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực và hạ lưu sông Sài Gòn. Chính quyền hai địa phương TP. HCM và Bình Dương đã ra chủ trương và nhiều lần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện biện pháp kiểm soát, giảm thiểu và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại dòng kênh này. Trong đó, dự án Đầu tư cải tạo kênh Ba Bò do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM làm chủ đầu tư, nay sáp nhập thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị được kỳ vọng là sẽ thay đổi tình trạng ô nhiễm tại dòng kênh “chết” này.
Thế nhưng mới đây, Thanh tra TP. HCM đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra về việc thực hiện dự án Đầu tư cải tạo kênh Ba Bò tại phường Bình Chiều, TP. Thủ Đức, TP. HCM và phường Bình Hòa, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tại Thông báo Kết luận thanh tra, Thanh tra TP. HCM đã chỉ rõ, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn đã có vi phạm trong nhiều khâu, từ lập, thẩm định phê duyệt dự toán; Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án, bản vẽ thiết kế cơ sở, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán, dẫn đến dự án kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến tính cấp bách, hiệu quả của dự án, gây lãng phí và không đạt được mục tiêu xử lý ô nhiễm nước thải và cải thiện môi trường.
Không đánh giá đúng thực tế mức độ ô nhiễm
Cụ thể, Thông báo Kết luận thanh tra đã nêu rõ hàng loạt những sai phạm của chủ đầu tư như: Trình hồ sơ điều chỉnh dự án nhưng không đánh giá đúng thực tế mức độ ô nhiễm của nước kênh Ba Bò, bỏ qua các ý kiến, góp ý và đánh giá của Sở Giao thông vận tải dẫn đến thiết kế áp dụng cho dự án không phù hợp, công nghệ xử lý nước thải không đáp ứng được mục tiêu đề ra khi xin điều chỉnh dự án. Điều này dẫn đến trạm xử lý nước thải vẫn chưa thể vận hành, gây lãng phí, không hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Chủ đầu tư chưa đánh giá đầy đủ cơ sở dữ liệu của dự án trong giai đoạn 5 đến 10 năm, chưa phân tích đánh giá kỹ phương thức xử lý nguồn nước ô nhiễm kênh Ba Bò theo công nghệ hồ sinh học của hồ sơ thiết kế; Không có hệ thống chắn rác, vớt rác, bù, thu gom rác từ đầu nguồn Bình Dương; Chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Không bổ sung hoàn chỉnh thiết kế trước khi trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng thiết kế, chất lượng thi công công trình. Và đây là nguyên nhân dẫn đến hệ thống bơm nước cho hồ sinh học mất tác dụng, gây lãng phí khi xây dựng hồ sinh học mà không thực hiện được mục tiêu dự án là xử lý nước thải, cải thiện môi trường cảnh quan đô thị.
Phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán về chiều dài đường dẫn vào cầu, nhưng không có đường tiếp cận dự án, không tiếp cận giao thông Tỉnh lộ 43 và không đúng với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt.
Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo quy định khi dự án được mở rộng thay đổi quy mô, công nghệ, xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải, xây dựng 02 trạm bơm; Thu gom, vận chuyển đổ thải bùn nạo vét phát sinh trong quá trình thi công xây dựng không đúng các vị trí cam kết, cho phép trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Không lập báo cáo xin phép người có thẩm quyền khi phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công đối với gói thầu xây lắp “xây dựng mới các cầu qua kênh”; Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công làm thay đổi về quy mô đối với hạng mục hồ sinh học thuộc gói thầu xây lắp số 1 mà không báo cáo người quyết định đầu tư.
Sử dụng kết quả khảo sát ở bước lập dự án năm 2007 để phục vụ cho công tác điều chỉnh năm 2009 không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm điều chỉnh; Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán 07 gói thầu vi phạm nhiều quy định về áp dụng mã hiệu định mức, đơn giá vật liệu, cự ly vận chuyển, khối lượng,… chưa phù hợp làm chênh lệch tăng gái trị dự án hơn 11,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong công tác đấu thầu, chủ đầu tư dự án không báo cáo xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp số 1; Triền khai thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu số 1, 2, 3 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu với hình thức chỉ định; Lập, phê duyệt hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu đối với gói thầu số 1 ở mục nội dung kinh nghiệm thi công không đúng quy định; Lựa chọn liên danh Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi và Công ty CP Tàu Cuốc là đơn vị trúng thầu gói thầu số 1 khi hồ sơ dự thầu của Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi không có hợp đồng có giá trị quá 10 tỷ đồng, chưa từng thi công hàng mục liên quan đến xây lắp hệ thống xử lý nước thải; Duyệt hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn dự toán khảo sát điều chỉnh, bổ sung và chi phí lập dự án đầu tư điều chỉnh không phù hợp với quy định và còn nhiều tồn tại, mâu thuẫn, thiếu thông tin.
Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng công trình tại gói thầu nạo vét hồ điều tiết, gói thầu xây lắp số 1, gói thầu xây lắp số 7 không đúng quy định; Thanh toán 98% giá trị hợp đồng cho đơn vị thi công đối với gói thầu xây lắp số 4 và gói thầu xây lắp số 7 là thực hiện không đúng với điều khoản thanh toán của hợp đồng hai bên đã ký; Công trình chưa quyết toán với đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 1 vì hệ thống xử lý nước thải không vận hành được và chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải như thiết kế vi phạm quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sai phạm theo dây chuyền?
Ngoài những vi phạm mà chủ đầu tư dự án Đầu tư cải tạo kênh Ba Bò, Thanh tra TP. HCM còn chỉ ra những thiếu sót khác nằm trong thẩm quyền của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị tư vấn thiết kế.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án khi còn nhiều thiếu sót, bất cập; Thẩm định, phê duyệt dự án khi chưa phù hợp giữa thiết kế cơ sở với quy hoạch chi tiết xây dựng và các chỉ tiêu quy hoạch đã được chấp thuận đối với công trình xây dựng tại khu vực; Chưa báo cáo đề xuất xử lý liên quan việc tiếp nhận, bàn giao các công trình cầu theo chỉ đạo.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi vị trí bãi đổ không theo phương án đổ bùn và đất đào trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, đối với tư vấn là chi nhánh Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn điều chỉnh dự án, thiết kế) có sai sót trong việc tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh dự án và thiết kế, đánh giá không đúng thực tế mức độ ô nhiễm của nước kênh Ba Bò, thiết kế áp dụng cho dự án không phù hợp, công nghệ xử lý nước thải không đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Công ty CP tư vấn xây dựng Vina Mekong (đơn vị thẩm tra) không kiểm tra sử dụng kết quả khảo sát ở bước lập dự án để phục vụ cho công tác điều chỉnh là không phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm điều chỉnh.
Công ty CP Tư vấn xây dựng Vina Conex, Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam – CTCP, đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán là Công ty CP Tư vấn xây dựng Vina Mekong (VMEC) áp dụng mã hiệu định mức, đơn giá vật liệu, cự ly vận chuyển, khối lượng chưa phù hợp.
Ngoài ra còn hàng loạt những đơn vị tư vấn khác vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng như Công ty Tư vấn Xây dựng công trình giao thông công chánh, Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ Thủy lợi, Công ty CP Tàu Cuốc, Tổng Công ty CP tư vấn và xây dựng Việt Thành, viện Khoa học Xây dựng Cầu đường phía Nam,……
Chuyển cơ quan điều tra nếu không khắc phục thiệt hại
Trước những sai phạm đã được chỉ rõ, Thanh tra TP HCM kiến nghị UBND TP HCM giao Ban Giám đốc Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đôi với tổ chức, cá nhân có thiếu sót, vi phạm.
Thuê đơn vị tư vấn để xây dựng phương án khắc phục, lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan để đưa dự án vào vận hành theo mục tiêu đã duyệt, chú ý những tồn tại của hệ thống xử lý nước thải của dự án. Trường hợp không khắc phục được thiệt hại thì chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra thụ lý làm rõ theo quy định.
Tổ chức lập, thẩm định, trình, phê duyệt lại dự toán các gói thầu Xây lắp từ số 1 đến số 7 và nạo vét hồ điều tiết theo đúng quy định, làm cơ sở thực hiện công tác nghiệm thu; thanh, quyết toán công trình.
Chỉ đạo nhà thầu thi công, nhà thầu tư vẫn giám sát rà soát lại toàn bộ hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bổ sung, hoàn thiện trước khi thực hiện nghiệm thu, quyết toán công trình.
Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư, công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán; Tăng cường cán bộ có phẩm chất, trình độ năng lực chuyên môn phù hợp với công tác quản lý, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nhanh chóng lập thủ tục ghi vốn đầu tư của dự án và hoàn trả tạm ứng theo đề nghị của Sở Tài Chính để hoàn trả tạm ứng ngân sách đối với phần kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho diện tích đất 37.436m2 đất xây dựng hồ sinh học.
Kiểm tra xác định khối lượng đất, bùn nạo vét đã đổ cho Quân đoàn 4 để quyết toán theo dự toán được duyệt theo đúng quy định.
Khẩn trương tổ chức kiể điểm tập thể, cá nhân theo kết luận của Bộ Tài chính; Thu hồi nộp ngân sách số tiền gần 750 triệu đồng do chi sai quy định về xây dựng cơ bản tại các gói thầu số 2, 6 và rà phá bom mìn.
Bên cạnh đó, Thanh tra cũng kiến nghị UBND TP. HCM giao Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ theo thẩm quyền tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân có liên quan, xem xét rà soát việc thực hiện Kết luận thanh tra, đề ra phương án khắc phục, sửa chữa, đưa dự án vào vận hành theo đúng mục tiêu. Riêng Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, chứng cứ tham gia vụ án hành chính tại TAND TP. Thủ Đức để đòi lại số tiền gần 300 triệu đồng mà UBND quận Thủ Đức (cũ) đã chi sai tại dự án.
Thanh Tùng