Phân khúc bất động sản cao cấp ngày càng nhiều tiềm năm
Các chuyên gia và nhà phát triển dự án, nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn tin rằng về trung hạn và dài hạn, bất động sản là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều nhất, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp.
Bất động sản hàng hiệu tăng trưởng tích cực
Thị trường bất động sản hàng hiệu đang trên đà tăng trưởng tích cực thời điểm hiện nay. Theo thống kế của Savills Vietnam, bất động sản hàng hiệu trên thế giới có khoảng 640 thương hiệu, với 100.000 sản phẩm. Sự phát triển này dự kiến sẽ tiếp tục, với nguồn cung ước tính vượt 1.100 thương hiệu vào năm 2027, gấp đôi số lượng hiện có.
Báo cáo năm 2022 của Global Luxury Market Insights cho thấy, số lượng người giàu có, sở hữu tổng tài sản trên 5 triệu USD đã tăng 20% năm 2021. Trong khi đó, lượng tài sản tăng 20,4%, đạt hơn 75.000 tỷ USD.
Có thể nói, đây cũng là động lực chính giúp thị trường bất động sản hạng sang chứng kiến doanh số tăng 14,5% và giá tăng 20,3% bởi với tầng lớp giàu có, bất động sản hàng hiệu luôn nằm trong danh mục đầu tư. Do đây là loại tài sản có triển vọng tăng giá tích cực, đồng thời khẳng định vị thế xã hội và phong cách sống khác biệt.
Tính từ năm 2015, khi người nước ngoài được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam, thị trường bất động sản trong nước trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với khách ngoại, nhất là tại phân khúc siêu sang.
Theo Khảo sát về thị trường nhà ở toàn cầu của Savills công bố tháng 12/2022, dưới tác động của đại dịch Covid-19, khái niệm hybrid living (sinh sống kết hợp nghỉ dưỡng) đã trở thành xu hướng sống mới, đặc biệt đối với cá nhân có thu nhập cao.
Họ sẽ dành nhiều thời gian sống tại ngôi nhà thứ hai của mình hơn và biến địa điểm đó thực sự thành nơi sinh sống thứ hai hơn là điểm nghỉ dưỡng như trước kia. Do đó họ kỳ vọng ngôi nhà của mình có diện tích lớn hơn với không gian và dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn.
Các không gian sân vườn, ban công rộng rãi, vị trí thuận lợi đi kèm với các tiện ích thể thao cũng là các yếu tố khác được quan tâm. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bền vững cũng đóng vai trò quan trọng, các chủ đầu tư và các thương hiệu đang nỗ lực đưa ra các mô hình giảm thiểu được tác động tới môi trường và tập trung tới các yếu tố về sức khỏe để thu hút giới nhà giàu.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản chọn Việt Nam là điểm đến
"Với việc số lượng người thu nhập cao ngày càng gia tăng tại Việt Nam và khách quốc tế quay trở lại sau đại dịch, phân khúc cao cấp sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn, nhất là các dự án với thương hiệu mạnh đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Bất động sản Việt Nam sẽ chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ nhu cầu tại phân khúc cao cấp, vốn đang có mức giá hợp lý hơn so với các thị trường khu vực, cũng như sở hữu tiềm năng tăng giá tích cực", bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam chia sẻ.
Có thể thấy, Việt Nam nổi lên là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng và làm việc, chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng của nhóm người giàu trong nước, với số lượng cá nhân thu nhập cao trong năm năm qua đã tăng gần 86%, nhu cầu sở hữu và đầu tư mô hình branded residences vì thế càng mở rộng.
Giám đốc Savills, ông Matthew Powell cho biết: "Trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, người mua sẽ tìm kiếm những tài sản đảm bảo được giá trị đầu tư lâu dài, đây cũng đồng thời là một trong những lợi thế của nhà ở có thương hiệu. Những thương hiệu nổi tiếng và được công nhận toàn cầu sẽ mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý". Do vậy, đây sẽ là thời điểm tốt để phát triển phân khúc bất động sản này và hưởng lợi từ các trải nghiệm toàn cầu mà những thương hiệu nghỉ dưỡng cao cấp mang lại.
Bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, và đang gia tăng hiện diện không chỉ tại các điểm đến nghỉ dưỡng mà còn ở trung tâm các đô thị. Ông Matthew Powell cho biết, từ góc độ các thương hiệu, mô hình này giúp thương hiệu mở rộng khả năng thâm nhập các thị trường mới và mở rộng danh mục dự án. Sự hợp tác với các thương hiệu cũng hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án được nhận diện tốt hơn.
Về nhu cầu của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam chủ yếu là căn hộ 3-4 phòng ngủ với diện tích lớn dành cho gia đình. Tuy nhiên thị trường cũng ghi nhận nhu cầu với các căn hộ hai phòng ngủ từ các gia đình trẻ và cặp đôi. Có thể thấy rằng, sự hình thành tệp khách hàng trẻ tuổi, sở hữu khối tài sản lớn, ưa dịch chuyển là động lực thúc đẩy sự phát triển của bất động sản hàng hiệu.
Cùng với đó, tại thị trường Việt Nam, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến mô hình này nếu quá trình hoạch định không được thực hiện một cách thấu đáo. Các thông tin về việc nhiều dự án chậm tiến độ cũng như các vấn đề về thực hiện cam kết tài chính đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường ngôi nhà thứ hai. Trong bối cảnh nguồn cầu sụt giảm và nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, những dự án với các cam kết "quá lý tưởng" đang gặp nhiều thách thức để hiện thực hóa các cam kết này.
Bất động sản hàng hiệu có nhiều tiềm năng, và đang gia tăng hiện diện không chỉ tại các điểm đến nghỉ dưỡng mà còn ở trung tâm các đô thị. Ông Matthew Powell cho biết, từ góc độ các thương hiệu, mô hình này giúp thương hiệu mở rộng khả năng thâm nhập các thị trường mới và mở rộng danh mục dự án. Sự hợp tác với các thương hiệu cũng hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án được nhận diện tốt hơn.
Huyền Diệu