Thứ sáu, 29/03/2024 01:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/02/2021 15:29 (GMT+7)

Phấn đấu đáp ứng đầy đủ điện năng cho nhu cầu phát triển

Theo dõi KTMT trên

Tại dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đặt mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu của đất nước.

Tại dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đặt mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

Phấn đấu đáp ứng đầy đủ điện năng cho nhu cầu phát triển - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành điện trong hiện tại và tương lai. Quy hoạch điện VIII đã tập trung vào tính toán, phân tích, đánh giá sự phát triển của ngành điện lực trong kỳ quy hoạch trước, chỉ các tồn tại và bài học kinh nghiệm; tính toán, phân tích khả năng phát triển kinh tế xã hội và dự báo phụ tải điện; tính toán khả năng sử dụng năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; tính toán chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; tính toán vốn đầu tư và phân tích kinh tế của chương trình phát triển điện lực; đề xuất các giải pháp và cơ chế để thực hiện quy hoạch.

Báo cáo đánh giá Môi trường chiến lược của Quy hoạch điện VIII cũng được lập song song và tương tác chặt chẽ với quá trình lập quy hoạch điện lực. Quy hoạch điện VIII được thực hiện trong bối cảnh một số quy hoạch nền tảng của quốc gia quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được lập như: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia... , nên có một số yếu tố bất định gây khó khăn trong quá trình dự báo.

Để đảm bảo chuẩn xác trong công tác dự báo, Viện Năng lượng đã phối hợp cùng với Viện Chiến lược Phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác dự báo phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và dự báo phụ tải điện.

Trong Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện như: khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai; khả năng thâm nhập của các phương tiện giao thông sử dụng điện năng; tác động của các chương trình Quản lý nhu cầu điện và Điều chỉnh phụ tải... Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã cập nhật, đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và qua đó đến nhu cầu sử dụng điện.

Chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch Điện VIII được thực hiện theo hàm mục tiêu cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện, có xét tới các ràng buộc về truyền tải, về cung cấp nhiên liệu sơ cấp, về phân bố tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), về khả năng liên kết hệ thống điện với các nước láng giềng. Có 11 kịch bản đã được đưa vào tính toán, xem xét, phân tích để lựa chọn kịch bản tối ưu trong phát triển nguồn điện. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu đã thỏa mãn các tiêu chí cơ bản: (i) đảm bảo an ninh cung cấp điện; (ii) đáp ứng được các cam kết của Việt Nam đối với Quốc tế trong giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện; (iii) có chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện. Chương trình phát triển lưới điện truyền tải của Quy hoạch Điện được thiết kế để đảm bảo truyền tải an toàn, liên tục công suất của các nhà máy điện tới trung tâm phụ tải. Hệ thống truyền tải điện 500kV vẫn tiếp tục được xây dựng để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Hồng. Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch Điện.

Với chương trình phát triển điện lực như trên, hàng năm Việt Nam cần đầu tư cho ngành điện khoảng 13 tỉ USD/ năm trong giai đoạn 2021 – 2030 và trên 12 tỉ USD/ năm trong giai đoạn 2031 – 2045. Để thực hiện, Quy hoạch điện VIII đã đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch như: đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải... Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực.

Quy hoạch điện VIII đã nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện lực Quốc gia với mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Quy hoạch điện VIII sẽ là cơ sở tài liệu để các cơ quan quản lý nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân liên quan nghiên cứu, phối hợp triển khai để phát triển ngành điện lực Việt Nam.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Lan Phương

Bạn đang đọc bài viết Phấn đấu đáp ứng đầy đủ điện năng cho nhu cầu phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết trong hoạch định và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, những năm qua Thái Bình luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.