Thứ bảy, 20/04/2024 13:25 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/01/2021 08:08 (GMT+7)

Ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch HAGL Agrico

Theo dõi KTMT trên

Ngày 8/1, Đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico (mã: HNG) đã bầu ra Ban quản trị mới và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco chính thức trở thành Chủ tịch của HAGL Agrico. Tân chủ tịch đã chia sẻ kế hoạch "hồi sinh" doanh nghiệp, trả nợ, thoát lỗ...

Đại hội cổ đông cũng thông qua việc chuyển nhượng 4 công ty của HAGL Agrico và tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu HNG riêng lẻ với khối lượng 741,4 triệu cổ phiếu.

Chia sẻ với cổ đông về sự “thay tướng” này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho rằng “sự thay đổi này là hợp lý bởi ông Dương có nhiều lợi thế hơn” và mong mong các cổ đông cũng ủng hộ. Bởi thời gian khó khăn vừa qua, HAGL Agrico đã hoạt động trong tình trạng mất cân đối tài chính. Tài sản, nhất là đất đai, rất nhiều nhưng hầu hết không có khả năng sinh lời trong khi nợ phải trả hơn 16.000 tỉ đồng.

Điều này buộc công ty phải chuyển nhượng 4 công ty con cho Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico, trước đây là Thadi) để thu về khoảng 9.200 tỉ đồng.

Ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch HAGL Agrico - Ảnh 1

Tại ĐHCĐ bất thường ngày 8/1/2021, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco chính thức trở thành Chủ tịch của HAGL Agrico.

Số tiền “bán con” cùng với 7.400 tỷ đồng sắp có từ đợt chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, HAGL Agrico sẽ giải quyết hết nợ trong thời gian ngắn và còn dư để bổ sung vốn lưu động cho chiến lược phát triển hai năm tới.

Tại đại hội, ông Trần Bá Dương khẳng định sau khi nắm quyền chi phối HAGL Agrico thì sẽ phát triển bằng được nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời bác bỏ tin đồn Thaco sẽ bán lại vốn tại đây cho cổ đông ngoại. Và việc bán gấp 4 công ty con là nhằm bù khoản lỗ 9 tháng đầu năm 2020 để thoát lỗ và tránh án huỷ niêm yết.

"Chúng tôi đã rót 40.000 tỉ đồng vào đây nên bắt buộc phải làm", ông Dương nói và trấn an cổ đông rằng cổ phiếu HNG sẽ không bị huỷ niêm yết.

Như vậy, sau 2 năm hợp tác, THACO đã giúp HAGL Agrico tái cấu trúc toàn diện công ty, giải quyết các khó khăn về tài chính để trả nợ ngân hàng (tính đến nay nợ ngân hàng còn 5.700 tỉ đồng).

Đồng thời, THACO cũng đã tham gia sản xuất trồng trọt để chuyển đổi diện tích lớn trồng cây dầu cọ, cây cao su sang trồng cây ăn trái nhằm phát triển thị trường. Đến nay, Công ty HAGL Agrico đã chuyển đổi và phát triển vườn cây ăn trái từ 15.200 ha lên đến 24.600 ha (chuối: 12.000 ha; Xoài: 6.000 ha và 6.600 ha cây ăn trái khác). Kết quả đạt được, doanh thu xuất khẩu năm 2019 đạt 78 triệu USD, năm 2020 đạt 110 triệu USD.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết sau đợt tái cấu trúc lần 1, các khó khăn của HAGL Agrico đã giảm nhưng vẫn cần vốn để tiếp tục chăm sóc vườn cây, đầu tư hạ tầng. Để giải quyết vấn đề tài chính, duy trì tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, HAGL Agrico sẽ tiếp tục tái cấu trúc lần 2 và thực hiện chuyển nhượng 4 công ty (2 công ty ở Campuchia và 2 công ty ở VN) với tổng diện tích 20.744 ha cho THAGRICO với số tiền là 6.500 tỉ đồng.

Theo kế hoạch tăng vốn được ĐHCĐ thông qua, HAGL Agrico sẽ tăng vốn thêm 7.414 tỉ đồng. Công ty sẽ dùng trả nợ 5.500 tỉ đồng và giải quyết nhu cầu vốn lưu động khoảng 1.914 tỉ đồng.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT công ty HAGL Agrico đã trình bày kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2023 với 2 trọng tâm chính:

Trồng trọt cây ăn trái: Tăng trồng mới để tổng diện tích cây ăn trái từ 13.200ha cuối năm 2020, đến hết năm 2023 đạt 21.800ha.

Chăn nuôi bò: Tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con (trong đó bò sinh sản là 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo là 35.000 con).

Ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch HAGL Agrico - Ảnh 2
Nông trường chuối rộng lớn của HAGL Agrico tại Campuchia.

Ông Dương cho biết thêm, để đạt các mục tiêu theo chiến lược đã đề ra, trong năm 2021 công ty sẽ quy hoạch tổng thể vùng trồng - chăn nuôi theo quy mô lớn phù hợp địa hình, địa thế và thổ nhưỡng cho từng loại cây nhằm đạt năng suất cao và tối ưu chi phí; Đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất quy mô lớn; Đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình trên đất phục vụ sản xuất; Đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả trên đồng cỏ kết hợp vườn cây cao su, sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại chỗ từ nguồn nguyên liệu trong chăn nuôi bò và cây ăn trái để cung cấp cho các nông trường.

Tổng mức đầu tư dự kiến năm 2021 là 1.062 tỉ đồng (trong đó trồng mới cây ăn trái: 400 tỉ đồng, chăn nuôi bò: 202 tỉ đồng, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất và máy móc thiết bị: 460 tỉ đồng)

Dư kiến năm 2021 sẽ thu được 154.000 tấn trái cây và hơn 11.000 tấn mủ cao su.

Tổng doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỉ đồng, trong đó doanh thu dự kiến đối với cây ăn trái là 1.766 tỉ đồng, 343 tỉ đồng đối với cây cao su. Trước đó, kế hoạch kinh doanh năm 2020 là 4.307 tỉ đồng doanh thu và lãi trước thuế 566 tỉ đồng. Như vậy kế hoạch năm 2021 giảm phân nửa so với kế hoạch 2020.

Về xuất khẩu, năm 2021 công ty sẽ tập trung phát triển thị trường xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông, Châu Âu. Ông Dương cam kết tiếp tục tập trung điều hành và phát triển lĩnh vực nông nghiệp một cách bền vững, mang lại giá trị cho công ty, cổ đông và đóng góp vào sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

Hoàng Anh

Bạn đang đọc bài viết Ông Trần Bá Dương trở thành Chủ tịch HAGL Agrico. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới