Olivin trong 'cát xanh' hút cacbon khỏi không khí tại bờ biển
Olivin, một họ khoáng vật màu xanh lá cây, có thể giúp hút cacbon khỏi không khí tại các bờ biển. Đó là phát hiện của dự án phi lợi nhuận với nhiều nhà khoa học thuộc Project Vesta.
Olivin trong "cát xanh" hút cacbon khỏi không khí tại bờ biển. |
Là một họ đá núi lửa, trong đó có các loại đá quý như đá peridot, olivin hình thành khi núi lửa phun trào khiến magma bắn lên, tiếp xúc với không khí. Khi đó, nhiệt độ kết tinh cao trong thành phần sắt magie silicat khiến magma chuyển hóa thành các mẩu olivin nhỏ chứa trong các khối nham thạch.
Khi tiếp xúc với sóng biển, các loại đá núi lửa như olivin sẽ sinh ra một phản ứng nhỏ trên bề mặt gọi là "phong hóa olivin" và hấp thụ lượng nhỏ CO2 khỏi không khí. Phản ứng này tạo ra sản phẩm phụ là hydrocacbonat (HCO3), có tác dụng điều chỉnh tính axit trong cơ thể người và môi trường đại dương.
Khi hydrocabonat trôi vào lòng đại dương, các sinh vật đại dương sẽ hấp thụ chúng và chuyển hóa sản phẩm phụ thành vỏ sò, ốc và san hô. Đây là quy trình không thể thiếu với nhiều loại sinh vật. Chẳng hạn như loài vi tảo cocolithophores cần CO2 hòa tan trong nước để quang hợp và một lượng ion HCO3 cân bằng với lượng CO2 để tạo lớp vỏ canxi cho mình.
The Independent cho biết, các sinh vật đại dương hiện đang tăng cường quá trình sản xuất để đẩy nhiều cacbon ra khỏi đại dương. Thực tế, phát hiện cho thấy nếu tăng thêm lượng HCO3 vào trong hỗn hợp hai chất CO2 và HCO3 sẽ đẩy mạnh quá trình sản sinh các vỏ và các vật chất đá vôi, canxi vô hại khác. Sau khi được nghiền nhỏ và trộn vào cát, olivin sẽ làm tăng diện tích bề mặt và đẩy nhanh tỉ lệ hấp thụ cacbon.
Nhằm thúc đẩy quá trình hấp thụ cacbon tự nhiên chỉ sử dụng các hợp chất không độc hại, đội ngũ nhà khoa học Project Vesta đã tập hợp và tích lũy kết quả nghiên cứu trong suốt nhiều thập kỷ về hiện tượng tăng cường phong hóa, khả năng hấp thụ cacbon của olivin và nhiều thành quả nghiên cứu khác để đạt được mục tiêu dự án.
Mai Đan