Thứ bảy, 23/11/2024 16:17 (GMT+7)
Thứ hai, 01/11/2021 14:00 (GMT+7)

Ô tô nhập tăng hơn 2 lần trong tháng 10, xe nội có rơi vào thế bí ?

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa được công bố, ước tính trong tháng 10/2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 16.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị là 341 triệu USD.

Thị trường bắt đầu vào đợt cao điểm

Dù thị trường chưa ghi nhận sức mua được cải thiện đáng kể song số lượng xe nhập khẩu tháng 10 cao gấp hơn 2,5 lần so với tháng 9 với 6.300 chiếc. Còn so sánh với cùng kỳ năm 2020, lượng xe nhập khẩu tháng 10 cao hơn 17,9% về lượng và 21,9% về giá trị kim ngạch.

Dòng xe nhập khẩu nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 6.485 xe, kim ngạch gần 122 triệu USD. Ô tô tải có lượng nhập khẩu nhiều thứ 2 với 1.233 xe, kim ngạch gần 28 triệu USD.

Tổng cộng 10 tháng đầu năm 2021, mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ước đạt hơn 130.000 chiếc, với tổng giá trị kim ngạch khoảng 2,888 tỉ USD; Tăng tới 62,4% về lượng và 63,5% về giá trị so với 10 tháng đầu năm 2020.

Ô tô nhập tăng hơn 2 lần trong tháng 10, xe nội có rơi vào thế bí ? - Ảnh 1
Số lượng xe nhập khẩu tháng 10 cao gấp hơn 2,5 lần so với tháng 9. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc từ 12 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức thuế suất 0% áp dụng từ 1/1/2018, các loại ô tô nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đang ngày càng nắm nhiều lợi thế.

Trong khi đó, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giữ vị trí quan trọng nhờ các loại xe tải và xe chuyên dụng. Đây cũng là lý do giúp cho lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc không cao nhưng giá trị lại rất đáng kể. Đà lớn mạnh của xe nhập khẩu Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc qua đó cũng ngày càng lấn át các loại ô tô nhập khẩu có xuất xứ khác.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia về thị trường ô tô, có 2 nguyên nhân chính khiến lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 10 tăng mạnh là do diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều địa phương đang được kiểm soát tốt dẫn đến việc nhập khẩu xe gặp nhiều thuận lợi và thị trường ô tô trong nước bắt đầu vào đợt cao điểm cuối năm, nhu cầu mua xe của người dân tăng cao.

Xe nhập tràn về đua cạnh tranh với ô tô lắp ráp trong nước

Trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng đột biến thì lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ tăng nhẹ trong tháng 10.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tháng vừa qua đã cho xuất xưởng tổng cộng 20.300 chiếc, tăng 6,3% so với tháng trước (với 19.100 chiếc). Số lượng này chỉ bằng 72,5% so với tháng 10/2020. Cộng dồn lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 235.600 chiếc, bằng 112,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Một thách thức lớn cho ngành lắp ráp ô tô trong nước là hàng loạt mẫu mã ô tô nhập khẩu đang đua tranh giảm giá với ô tô lắp ráp trong nước. Bởi lẽ, trong bối cảnh sức mua đang có xu hướng sụt giảm thì lượng ô tô nhập khẩu lại ồ ạt kéo về.

Ô tô nhập tăng hơn 2 lần trong tháng 10, xe nội có rơi vào thế bí ? - Ảnh 2
Ô tô lắp ráp trong nước chịu sức ép khá lớn. (Ảnh minh họa)

Trái ngược với sự giảm giá của ô tô nhập khẩu, ô tô lắp ráp trong nước có giá bán cao hơn. Một phần bởi chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài, theo số liệu của các chuyên gia trong ngành. Trước đây, xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế khoảng 30% thì xe lắp ráp trong nước rẻ hơn. Khi thuế nhập khẩu về 0%, ô tô nhập khẩu lại rẻ hơn lắp ráp.

Thị trường ô tô Việt Nam hiện nay còn nhỏ, lại có tới vài chục thương hiệu xe và mỗi đơn vị lại có hàng chục mẫu. Do đó, mỗi dòng ô tô bán ra có số lượng hạn chế, dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên. Trong khi đó, quy mô ngành và thị trường xe hơi của Việt Nam bằng khoảng một nửa Malaysia, bằng 1/3 so với Indonesia và còn khoảng cách rất xa so với Thái Lan.

Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô vào Việt Nam hiện nay khoảng 7-9% cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành xe lắp ráp trong nước. Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa xe con chỉ đạt 7-10%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và cách xa con số trung bình 55-60% của ASEAN.

Thực tế tại Việt Nam, quá trình làm xe chủ yếu là lắp ráp các linh kiện nhập khẩu có sẵn. Do đó, kể cả khi nhập linh kiện về với giá ngang với nước sản xuất, các chi phí vận chuyển, lưu kho,... cũng làm giá thành xe bị đội lên.

Một chuyên gia trong ngành nhận định chi phí nhập toàn bộ linh kiện để lắp một chiếc xe hoàn chỉnh có khi còn cao hơn so với nhập nguyên một chiếc xe. Tuy nhiên các hãng vẫn chọn hình thức này để chủ động về nguồn cung cấp sản phẩm thay vì lệ thuộc.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô tô nhập tăng hơn 2 lần trong tháng 10, xe nội có rơi vào thế bí ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới