Thứ năm, 18/04/2024 20:37 (GMT+7)
Thứ tư, 28/10/2020 11:03 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường tại các địa phương: Xử nghiêm các hành vi vi phạm

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang “nóng” tại nhiều địa phương, cử tri một số tỉnh kiến nghị Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 cần tăng mức xử phạt các trường hợp vi phạm...

Ô nhiễm môi trường tại các địa phương: Xử nghiêm các hành vi vi phạm - Ảnh 1
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, thời gian qua, cử tri một số tỉnh thành đã liên tiếp kiến nghị dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 cần có quy định cụ thể trong việc thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử phạt "đủ mạnh” đối với các trường hợp vi phạm.

Dân bất an vì ô nhiễm

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bến Tre, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định cách thức quản lý cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường, nhưng cho đến nay, việc quản lý môi trường vẫn còn nhiều bất cập. Cũng bởi thế, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Đáng chú ý, có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất xả thải ra môi trường và do ý thức của một số hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán xả thải tự nhiên dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong nội dung kiến nghị gửi Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri tỉnh Phú Thọ cũng bày tỏ nỗi lo khi tình hình vi phạm về môi trường đang diễn biến rất phức tạp, ô nhiễm môi trường gây bất an trong nhân dân.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay được xác định do hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp; thu gom, xử lý rác thải; hoạt động của các làng nghề nói chung; sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi ở trong khu vực nông thôn; hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản sử dụng hóa chất...

Cử tri tỉnh Hải Dương cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn đang ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm là rất lớn nhưng chưa được các cấp chính quyền quan tâm xử lý triệt để. Hiện phần lớn nguồn chất thải này không được xử lý theo quy trình mà chủ yếu là xả thẳng ra sông ngòi, ao, hồ gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ý kiến của cử tri, với số lượng hộ chăn nuôi, trang trại nhiều, tổng đàn lớn, cùng với phạm vi phân bố rộng khắp trên toàn quốc, hàng năm, hoạt động chăn nuôi đã hình thành khối lượng rất lớn nước thải, chất thải rắn, khí thải. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý không tốt sẽ gây hậu quả rất lớn đối với môi trường.

Vì thế, cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp và biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Về khía cạnh quy định pháp luật, cử tri các tỉnh Bến Tre, Phú Thọ kiến nghị Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này cần có quy định cụ thể trong việc thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử phạt đủ mạnh các trường hợp vi phạm môi trường để bảo vệ nguồn nước, không khí cũng như bảo vệ sức khỏe cho người người dân.

Ô nhiễm môi trường tại các địa phương: Xử nghiêm các hành vi vi phạm - Ảnh 2
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Kim Há/TTXVN)

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì phối hợp các Bộ, ngành liên quan đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện chất lượng môi trường tại Việt Nam và tiến tới có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận mặc dù công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý tăng bình quân 6%/năm, nhiều địa phương đã có mô hình xử lý rác thải và xử lý chất thải thải rắn hiệu quả, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra và chậm được khắc phục.

Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Theo đó, vấn đề thanh tra, kiểm tra đã đề xuất theo hướng tăng cường lực lượng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường.

Cụ thể, Luật quy định trách nhiệm cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền xác nhận, đăng ký và cấp giấy phép môi trường của mình theo quy định của pháp luật thuộc địa bàn quản lý; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật thuộc địa bàn quản lý.

Cùng với đó, lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, hành vi gây ô nhiễm môi trường của tổ chức, cá nhân hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi gây ô nhiễm môi trường và phải được Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định…

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cũng dự kiến bổ sung hình thức thanh tra thường xuyên, quy định rõ nội dung kiểm tra về bảo vệ môi trường và quy định các trường hợp thanh tra đột xuất sẽ không công bố trước để khắc phục tồn tại tất cả các đoàn thanh tra đều phải thông báo trước cho đối tượng thanh tra theo quy định pháp luật.

Để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật khi phát hiện vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên 5 năm thay vì 2 năm như quy định của pháp luật hiện hành (trong 5 năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức không được vi phạm); bổ sung quy định buộc truy thu số lợi thu được bằng giá trị xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với hành vi vi phạm về xả, thải.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ để xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính đã được cập nhật, bổ sung với các chế tài phù hợp với các quy định hiện hành và theo hướng chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa; không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải xả nước thải vào nguồn nước.

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm môi trường tại các địa phương: Xử nghiêm các hành vi vi phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới