Thứ năm, 25/04/2024 22:59 (GMT+7)
Thứ năm, 02/03/2023 07:10 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức lớn của Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. 3,5 triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.

Chất lượng không khí Hà Nội ảnh hưởng lớn từ bên ngoài

Theo thống kê UBND thành phố Hà Nội, toàn địa bàn thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 806 làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận; hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô… Đây đều là những nguồn phát thải lượng lớn khí nhà kính gây ra ô nhiễm không khí.

Theo một khảo sát đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2015, 40% tổng dân số của Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi mịn PM2.5 ở ngưỡng gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia và gấp nhiều lần tiêu chuẩn thế giới. Báo cáo của tổ chức này cũng cho thấy các nguồn phát thải bụi mịn PM2.5 chính ở Hà Nội bao gồm: 35% từ các hoạt động công nghiệp, bao gồm làng nghề, 25% từ giao thông, 20% từ phát thải amoni (phân bón, chăn nuôi), 10% từ dân sinh (đun nấu/đốt sinh khối), 7% từ đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) ngoài trời. Phần còn lại đến từ nguồn đốt rác lộ thiên không kiểm soát.

Trong đó, chỉ có khoảng 1/3 bụi PM2.5 có trong không khí xung quanh đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội. Phần còn lại đến từ các vùng rộng lớn bên ngoài Thủ đô như Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh khác của Việt Nam, cũng như xuyên biên giới, nguồn từ tự nhiên và vận chuyển hàng hải quốc tế.

Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức lớn của Thủ đô - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức lớn của Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, mặc dù, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh gây ô nhiễm nhưng với sự biến đổi khó lường của khí hậu, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, việc quy hoạch phát triển thành phố chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức lớn đối với thành phố.

“Chính vì vậy, việc giải quyết các thách thức và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Hà Nội, góp phần vào nỗ lực chung của Việt Nam thực hiện cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh quyết tâm của thành phố, cần thiết có sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, sự chung tay hành động của các đơn vị, tổ chức và nhân dân Thủ đô”, ông Đông nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp đã được áp dụng

Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.

Đơn cử, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND vào ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Theo ghi nhận của Sở TN&MT, đến tháng 12/2022, số lượng bếp than tổ ong trên toàn thành phố đã giảm 99,87% so với năm 2017. Ước tính lượng khí thải CO do sử dụng bếp than tổ ong giảm 19,000 tấn tính đến tháng 12/2020 (so với năm 2017), lượng bụi mịn PM2.5 giảm 1,658 tấn/năm.

Ngày 18/9/2020, thành phố tiếp tục ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ và rác thải sinh hoạt. Nhờ đó, tỷ lệ đốt bình quân vụ đông xuân năm 2022 toàn thành phố là 11,47%, giảm 67,9% so với năm 2017. Tỷ lệ trung bình đốt rơm rạ vụ hè thu năm 2022 là 11,98%, giảm 66,5% so với 2017.

Ngoài những giải pháp nêu trên, thành phố còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng; Triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; Hỗ trợ các quận, huyện chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với các NGO và doanh nghiệp có giải pháp thực hiện giải pháp phân loại, xử lý và hạn chế đốt rác thải;…

Để góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố, bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần sự phối hợp của các tỉnh lân cận dưới sự chủ trì của Hà Nội. Kinh nghiệm từ các dự án của Ngân hàng thế giới hỗ trợ đã chứng minh các lợi ích của sự phối hợp vùng và giữa các tỉnh, thành. Sức khỏe và hiệu suất làm việc của người dân, mức độ đáng sống của thành phố đều có thể được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, chính quyền cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời như việc đốt rơm rạ ở ngoại thành và có các biện pháp giảm bụi đường phố. Xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế; thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp.

Đồng thời, thành phố cần thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, ôtô; thúc đẩy giao thông công cộng, đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải trong thành phố. Cần có giải pháp giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ.

Hà Nội cũng cần tăng tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá tại các làng nghề.

Bà Carolyn Turk chia sẻ thêm, Ngân hàng thế giới sẵn sàng tăng cường các cam kết hỗ trợ thành phố Hà Nội giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố để xây dựng một Hà Nội xanh - sạch - đẹp.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức lớn của Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.