Nước mặn tăng cao ở Bến Tre khiến cá tra chết hàng loạt
Nước trên hệ thống sông rạch tăng cao bất thường khiến các ao nuôi cá tra thương phẩm ở Bến Tre xảy ra tình trạng bệnh chết hàng loạt.
Mấy ngày gần đây, người nuôi cá tra ven sông ở tỉnh Bến Tre rất lo vì cá chết bất thường. Nhiều ao nuôi phải thu hoạch “non” đàn cá tra vì tỉ lệ hao hụt quá cao.
Thông thường cá tra trên 1 kg/con, mới thu hoạch nay chưa đến 1 kg/con đã vội bán do nước mặn tấn công. Người nuôi cho rằng, với nước mặn trên 5 phần nghìn như hiện nay thì cá tra bị phù đầu, nổ mắt chết hàng loạt.
Ngư dân thu hoạch cá tra bán "chạy" nước mặn. |
Tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành có nhiều ao nuôi cá tra bị chết do nước mặn khu vực này tăng lên hơn 6 phần nghìn, có lúc 7-8 phần nghìn. Trong đó, ao nuôi của doanh nghiệp Thành Hưng mỗi ngày chết gần 1.000 con. Khi cá bị bệnh chết hàng loạt, ngư dân khẩn trương trục vớt cá và ủ phân để hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.
Nhiều đàn cá tra chưa đến lứa vẫn thu hoạch để tránh thiệt hại. |
Ông Phan Văn Nhị Hùng, chủ tịch UBND xã Phú Túc chia sẻ: "Hiện nay, theo các doanh nghiệp báo có cá chết. Riêng doanh nghiệp Thành Hưng báo một ao mỗi ngày có khoảng 1.000 con chết trên tổng số 60.000 con. Khi cá chết, các doanh nghiệp tất nhiên tiến hành trục vớt rồi ủ phân theo những khu vực riêng để không có mùi hôi".
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp An Hiệp, tỉnh Bến Tre) cho biết, doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra nguyên liệu khoảng 300 ha tại huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Châu Thành. Nước mặn lên cao đã làm 100 ha ao cá tra của doanh nghiệp này bị bệnh chết hàng loạt. Số diện tích ao nuôi cá còn lại cũng đang bị hao hụt nặng, các nhà máy của công ty thiếu nguồn nguyên liệu. Để hạn chế rủi ro tới đây, công ty chỉ biết phải điều chỉnh mùa vụ để né hạn, mặn.
Sản xuất cá tra phi lê tại Công ty cổ phần Gò Đàng (tỉnh Bến Tre). |
Ông Đạo tâm tư: "Vùng nuôi của công ty khoảng 300 ha, bị thiệt hại nặng lắm phải chịu thôi chứ biết làm sao. Cá bị tuột nhớt, nổ mắt chết. 30% còn lại nằm khu vực nhiễm mặn nó cũng ngất ngư thôi, chờ chết. Bây giờ con nào tới lứa bắt được thì bắt, còn không bắt được thì chịu thôi, chứ làm sao".
Hiện nay, ngành chuyên môn tỉnh Bến Tre đang thống kê số lượng đàn cá tra bị bệnh chết, đồng thời cử cán bộ, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi cá tra giảm thiệt hại trong giai đoạn đỉnh điểm của nước mặn. Ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi cá tra nên thu hoạch sớm những ao cá đã đến lứa; khan thưa đàn cá, làm vệ sinh ao nuôi và tuyệt đối không thả cá con lúc này. Một số hộ nuôi cá tra đóng kín không lấy nguồn nước có độ mặn cao vào và còn thuê sà lan bơm nước ngọt vào để làm giảm độ mặn trong ao nuôi.
Tỉnh Bến Tre có vùng nuôi cá tra thương phẩm hơn 750 ha, tập trung ở các cù lao, ven sông. Đến thời điểm này, đã có hàng trăm ha ao cá tra bị thiệt hại do nước mặn. Với giá cá chưa đến 20.000 đồng/kg như hiện nay và tình hình nước mặn làm cá bệnh chết hàng loạt đã làm cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến mặt hàng cá tra phi lê xuất khẩu rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất.
Nhật Trường