Thứ bảy, 23/11/2024 02:06 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/12/2021 10:00 (GMT+7)

Núi lửa Cumbre Vieja ngừng phun trào

Theo dõi KTMT trên

Sau gần 3 tháng hoạt động mạnh mẽ, ngày 25/12, núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha, đã chính thức ngừng phun trào.

Kỷ lục về thời gian phun trào

Theo giới chức địa phương, núi lửa trên "thức giấc" ngày 19/9 vừa qua và phun trào mạnh mẽ những dòng dung nham cùng các cột tro bụi khổng lồ lên không trung.

Phát biểu với báo giới, ông Julio Perez, Giám đốc Cơ quan Ứng phó với núi lửa trên quần đảo Canary, cho biết trong đợt phun trào này, núi lửa Cumbre Vieja đã hoạt động trong 85 ngày và 18 giờ, phá hủy 1.345 ngôi nhà cũng như nhiều trường học, nhà thờ, trung tâm y tế và hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp.

Núi lửa Cumbre Vieja ngừng phun trào - Ảnh 1
Dung nham núi lửa Cumbre Vieja phun trào. (Ảnh: PLO)

Dung nham núi lửa bao phủ diện tích lên tới 1.250 ha, phần lớn trong số đó là các đồn điền trồng chuối. Khoảng 7.000 người đã phải sơ tán khẩn cấp. Tổng thiệt hại trong đợt phun trào lần này của núi lửa Cumbre Vieja có thể lên tới hơn 900 triệu euro (hơn 1 tỷ USD).

Trước đó, chỉ có hai vụ phun trào núi lửa xảy ra ở quần đảo Canary có thời gian lâu hơn, đó là vụ phun trào trên đảo Tenerife vào năm 1798 kéo dài trong 99 ngày và vụ phun trào của núi lửa Timanfaya trên đảo Lanzarote vào năm 1730 kéo dài trong sáu năm.

Các chuyên gia đã cảnh báo sẽ cần vài năm để làm sạch đất và loại bỏ một lượng lớn tro bụi trong các tòa nhà và trên hệ thống đường giao thông.
Trong khi đó, núi lửa sẽ tiếp tục thải ra khí độc trong một thời gian dài, đe dọa tới chất lượng không khí và sức khỏe của người dân. Ngoài ra, cũng cần một thời gian nữa để dung nham nguội về mức an toàn.

Những tác hại đáng sợ của tro bụi núi lửa

Cột khói bụi phủ lên ngọn núi lửa khi trộn với nước có thể tạo thành hỗn hợp bùn đậm đặc. Chúng có khả năng di chuyển xa khá nhiều km với tốc độ tương đối cao. Với những vụ phun trào lớn, tro bụi núi lửa thậm chí có thể di chuyển hàng ngàn km theo hướng gió.

Ngoài ra, tro bụi núi lửa cũng có thể quay trở lại bề mặt Trái Đất bằng các chất kết tủa hoặc bám vào những đám mây trong bầu khí quyển.

Núi lửa Cumbre Vieja ngừng phun trào - Ảnh 2
Trái Đất có thể trở nên lạnh hơn do tro bụi núi lửa tiến sâu vào bầu khí quyển. (Ảnh: Dailymail)

Điều đáng sợ nhất có lẽ là tro bụi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Kích cỡ hạt bụi quá nhỏ có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, kích ứng mắt, dị ứng da hay thậm chí có thể "lọt" vào phổi dẫn đến tình trạng khó chịu, tức ngực, đau họng và thở khò khè.

Hiện tại, núi lửa Agung ở hòn đảo Bali nổi tiếng ở Indonesia đang có dấu hiệu phun trào dữ dội. Cụ thể, ngọn núi lửa "khổng lồ" bắt đầu phun tro bụi cao tới 4.000 mét lên không trung.

Heather Handley, Phó giáo sư tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc) cho biết: "Ngay cả ở ngoài khu vực di tản, mọi người cũng nên chuẩn bị sẵn sàng vì tro bụi mới thực sự là mối nguy hiểm chính".

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Núi lửa Cumbre Vieja ngừng phun trào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới