Nông sản Việt đối mặt với nhiều rào cản mới khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Các loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn do phải đối mặt với chính sách “Zero covid” và các quy định mới về nhập khẩu nông sản của chính phủ nước này.
Bổ sung hàng loạt quy định về an toàn thực phẩm
Đầu tiên phải kể đến Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo Lệnh 248, các DN có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc cần sớm đăng ký để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, gửi danh sách sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Với Lệnh 249, DN phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).
Riêng đối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch; đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với các nước phát triển và Trung Quốc duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống.
Những chính sách kể trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng thủy sản, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong quý I/2022, đã có 52 lô hàng của 36 DN chế biến thuỷ sản Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo, trả về vì phát hiện virus trên mặt bao bì, kiện hàng và trên mẫu sản phẩm. Ngoài ra, nước bạn cũng cảnh báo nhiều lô hàng thủy sản về chỉ tiêu phosphate (cá, tôm đông lạnh, mực khô); bệnh thủy sản (tôm đông lạnh); kháng sinh cấm (ốc hương sống).
Trong khi đó các mặt hàng rau quả xuất sang Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh khi trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 877,6 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác, giảm phụ thuộc vào một thị trường
Nhận định rõ những khó khăn, thách thức từ thị trường nhập khẩu Trung Quốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics.
Song song với đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các tỉnh biên giới trong việc triển khai phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản có tính chất thời vụ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật giữa hai bên đối với mặt hàng nông sản Việt Nam.
‘‘Bộ cũng đã nhiều lần khuyến cáo các DN cần chuyển mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi việc giao thương có các hợp đồng thương mại mua bán giữa hai bên là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay, để tránh các rủi ro khi phụ thuộc vào hình thức buôn bán mang tính trao đổi cư dân biên giới” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Đề cập về giải pháp lâu dài, doanh nghiệp cần tập trung giải quyết hai vấn đề cốt lõi là chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
“Bài học nhãn tiền về thông quan gặp khó, ùn ứ nông sản tại cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng đặt ra yêu cầu đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần thiết phải tính toán cho tiêu thụ nội địa hoặc những thị trường khác vào cao điểm mùa thu hoạch nông sản, nhằm giảm tình trạng phụ thuộc vào một thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho DN” - PGS.TS Phạm Tất Thắng Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) khuyến nghị.
Thanh Tân