Thứ sáu, 29/03/2024 08:07 (GMT+7)
Thứ năm, 02/12/2021 14:29 (GMT+7)

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO

Theo dõi KTMT trên

Sáng 1/12, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam tổ chức hội thảo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Ứng dụng dữ liệu vệ tinh trong giám sát ô nhiễm".

Bụi PM2.5, còn gọi là bụi mịn vì có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người và hầu hết các địa phương ở Việt Nam đều có nồng độ loại bụi này cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đây là thông tin được công bố chi tiết trong Hội thảo “Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn” sáng 01/12. Tại đây các nhà khoa học đã chia sẻ báo cáo được thực hiện bởi Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó đưa ra một bức tranh đầy đủ về ô nhiễm không khí cả về không gian và thời gian của 63 tỉnh và thành phố tại Việt Nam.

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO - Ảnh 1
TP.Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất cả nước. Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Do đó bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người.

Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Lần đầu công bố hiện trạng bụi mịn PM2.5 đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố

Thành viên nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu so sánh với nồng độ bụi PM2.5 theo khuyến nghị của WHO năm 2021 (5 µg/m3) và năm 2005 (10 µg/m3), thì hiện nay nồng độ bụi PM2.5 của tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong giai đoạn 2019-2020 đều vượt nhiều lần các mức khuyến nghị này.

Mặc dù báo cáo cho thấy chất lượng không khí toàn quốc năm 2020 có phần cải thiện hơn so với 2019, khi nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 (8-35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9-41 µg/m3). Tuy nhiên, nhiều vùng và địa phương vẫn chịu ô nhiễm bụi PM2.5 vì có nồng độ trung bình loại bụi mịn này trong năm cao hơn quy chuẩn Việt Nam (QCVN 05:2013/BTNMT).

Hiện nay, các khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao là Đồng bằng sông Hồng (gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển) và TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO - Ảnh 2
Ảnh trích xuất từ báo cáo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn".

Năm 2020, toàn quốc có 10/63 tỉnh thành có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (QCVN 05:2013/BTNMT), tất cả đều nằm ở khu vực miền Bắc. Trong đó, Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 cao nhất.

Năm 2019, cả nước có 13/63 tỉnh thành có nồng độ PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn nên số liệu năm 2020 có cải thiện. Đáng chú ý, các dữ liệu tổng hợp đều cho thấy, giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 trong năm ngoái đã phần nào giúp cải thiện chất lượng không khí toàn quốc và hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO - Ảnh 3
Ảnh trích xuất từ báo cáo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn".

Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm 2020 toàn tỉnh vượt quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An (miền Trung) và TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (miền Nam), vẫn có nhiều khu vực địa phương đang chịu ô nhiễm bụi PM2.5.

Trong đó, TP.HCM có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đứng thứ 11 trong xếp hạng toàn quốc.

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO - Ảnh 4
Ảnh trích xuất từ báo cáo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn".

Xét về kiểm kê nguồn thải bụi PM2.5 tại Hà Nội ghi nhận năm 2018, báo cáo cho thấy nguồn thải bụi lớn nhất chiếm đến 48,3% đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, sau đó là từ các phương tiện giao thông (21,3%), đốt phụ phẩm nông nghiệp (20,2%), đun nấu dân dụng và thương mại (6,6%) và khoảng 3,6% đến từ các lĩnh vực còn lại.

Trong cùng thờigian kiểm kê này, nguồn thải bụi PM2.5 ở TP.HCM chiếm tỉ lệ cao nhất từ hoạt động giao thông (58,2%), hoạt động công nghiệp (22,8%) và đun nấu dân sinh và đun nấu thương mại (12,8%).

Các khuyến nghị kiểm soát ô nhiễm bụi PM2.5

Dựa trên kết quả của báo cáo và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hội thảo đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể như ứng dụng tiếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp quốc gia, vùng miền và tỉnh, thành.

Song song với đó là xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tiết tới từng quận/huyện/thị xã tại các tỉnh, thành phố có ô nhiễm bụi PM2.5. Ngoài ra còn có các chính sách phù hợp và hiệu quả trong kiểm soát các nguồn thải chính.

Việc tăng cường mạng lưới trạm quan trắc chất lượng không khí và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quan trắc bụi PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác cũng được các chuyên gia khuyến nghị nhằm kiểm soát ô nhiễm bụi mịn.

Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO - Ảnh 5

Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay.

Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam

Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam tán thành kết quả nghiên cứu được báo cáo công bố tại hội thảo và cho rằng, 40% tỉnh thành miền Bắc có chỉ số ô nhiễm không khí vượt chuẩn là áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách. Ông cho rằng, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm.

Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh: “Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện kiểm kê khí thải, nhận diện nguồn thải để có các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nồng độ bụi mịn cả nước vượt mức khuyến nghị của WHO. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.