Thứ sáu, 22/11/2024 12:37 (GMT+7)
Thứ hai, 22/11/2021 11:12 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí vẫn 'bao trùm' Thủ đô Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Những ngày qua, chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội đều ở mức tiệm cận nguy hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Theo các chuyên gia nhận định, đợt ô nhiễm không khí này xảy ra do bụi bẩn không thể khuếch tán lên cao.

Những ngày giữa tháng 11/2021, các trạm quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội luôn ghi nhận những chỉ số xấu. Cụ thể, kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) lúc 9h ngày 17/11 cho thấy, tất cả khu vực nội thành đều ở mức xấu. Trong đó, khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là: Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) có chỉ số AQI ở mức 197 đơn vị; khu vực Thành Công (Ba Đình) chỉ số AQI ở mức 190 đơn vị; khu vực Kim Liên (Đống Đa) chỉ số AQI là 187 đơn vị…

Kết quả quan trắc trong tuần (từ ngày 15 đến 19/11) cho thấy, chất lượng không khí ở mức xấu so với một tuần trước đó. Cụ thể trong tuần này xuất hiện chỉ số AQI ở mức “Xấu” và “Kém”, AQI ở mức “Tốt” và “Trung bình” giảm. Chỉ số AQI tại các trạm quan trắc dao động từ 21-168. Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần này chất lượng không khí giảm hơn so với tuần trước; xuất hiện chỉ số AQI ở mức “Xấu” và “Kém”, AQI ở mức “Tốt” và “Trung bình” giảm.

Ô nhiễm không khí vẫn 'bao trùm' Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1
Tình trạng ô nhiễm không khí vẫn kéo dài nhiều ngày qua tại Hà Nội.

Cụ thể, trạm Kim Liên có 1 ngày trong tuần chất lượng không khí ở mức “Tốt” và “Kém” chiếm 14,29%, 2 ngày ở mức “Trung bình” chiếm 28,57%; còn lại ở mức “Xấu”… Tuy vậy, tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Minh Khai, Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí cải thiện hơn so với tuần trước. Cụ thể, trạm Minh Khai đang bảo trì, bảo dưỡng và hiệu chuẩn nên hiện tại chưa có số liệu. Trạm Phạm Văn Đồng có 1 ngày chất lượng không khí ở mức “Tốt” chiếm 14,29%, còn lại 2 ngày đều ở mức “Trung bình”, “Kém” và “Xấu”. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại trạm Phạm Văn Đồng trong tuần này là 168.

Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công thì chất lượng không khí trong tuần này cũng tăng so với tuần trước. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức “Tốt” và “Kém” chiếm 14,29%; còn lại tất cả các ngày chất lượng không khí đều ở mức “Trung bình”. Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, trong tuần vừa qua vẫn là khí tượng tác động chủ yếu tới chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Bây giờ đang là khoảng thời gian chuyển mùa, lượng sương mù lớn và dày nằm trên cao khiến các chất ô nhiễm đọng lại ở tầng dưới không khuếch tán lên được. Chỉ duy nhất vào ngày 18-/1 có mưa nhỏ rải rác trên khắp thành phố nên chất lượng không khí cải thiện được đôi chút.

Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài, Hà Nội cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp căn cơ là tiến tới hạn chế sự hoạt động của phương tiện cá nhân và xe máy tại một số khu vực. Tuy nhiên, giải pháp này tác động đến nhiều đối tượng nên Hà Nội đã giao Sở GTVT và các sở, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động rõ ràng và xây dựng đề án cụ thể để có thể triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Ô nhiễm gia tăng vào mùa Đông

Lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp cho biết, do không khí lạnh suy yếu trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm khiến bụi bẩn và các chất ô nhiễm không thể khuếch tán. Bên cạnh đó, độ ẩm và nền nhiệt tăng cao khiến sương mù xuất hiện dày đặc làm mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua do không khí lạnh đã suy yếu, trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm. Do đó, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.

Đồng thời, độ ẩm cùng nền nhiệt ở Hà Nội tăng cao khiến trạng thái sương mù xuất hiện, khiến mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn, bầu không khí đặc quánh. Những ngày tới, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.

Theo chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng đến năm nay bắt đầu muộn hơn. Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.

Những ngày gần đây, khi các hoạt động phát thải gia tăng trở lại, cộng với điều kiện thời tiết bất lợi khiến người dân nhìn rõ ô nhiễm không khí bằng mắt thường. Ông Tùng nhấn mạnh thời tiết không phải nguyên nhân, mà chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng.

“Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người. Nếu không có giải pháp lâu dài để giảm thiểu các chất phát thải ra ngoài môi trường thì chỉ còn cách 'nhờ trời' giúp giảm ô nhiễm”, ông Tùng nói.

Hà Nội đầu tư thêm 15 trạm quan trắc từ nay đến 2024

Theo Sở TN&MT Hà Nội, nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố, Sở sẽ đầu tư thêm 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định trong giai đoạn 2021-2024.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước; 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động cố định, 6 trạm quan trắc nước dưới đất để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng môi trường trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện tại thành phố có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí vẫn 'bao trùm' Thủ đô Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới