Thứ bảy, 20/04/2024 00:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/03/2020 12:25 (GMT+7)

Nông dân chủ động thay đổi cây trồng để thích nghi với hạn mặn

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong tháng 3/2020, hạn mặn đã vượt mốc lịch sử 2016, khiến cho 5 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp. Để thích ứng với tình trạng này, người nông dân ĐBSCL đã và đang triển khai các mô hình thích nghi hạn mặn, bước đầu mang lại những kết quả khả quan.

Nông dân chủ động thay đổi cây trồng để thích nghi với hạn mặn - Ảnh 1
Nông dân Vĩnh Thuận, Kiên Giang trồng dưa hấu. (Ảnh: Nhân dân)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Diện tích lúa chịu thiệt hại do hạn, mặn khoảng 39 nghìn hecta, chiếm 1,2% tổng diện tích gieo sạ; khoảng 20 nghìn hecta lúa bị mất trắng. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 95,6 nghìn hộ dân đang gặp khó khăn vì hạn, mặn.

Nhằm đối phó với hạn mặn gay gắt, từ cuối năm 2019, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã gấp rút triển khai hàng loạt biện pháp như nạo vét, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh nội đồng để trữ nước ngọt; sửa chữa hệ thống cống, đắp tất cả đập ngăn mặn; vận hành hợp lý hệ thống công trình thủy lợi; bố trí điểm cấp nước sạch cho dân... Đặc biệt, thành lập 185 điểm bơm chuyền trữ nước ngọt với quy mô 506 máy bơm công suất lớn phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng chủ động sáng tạo ra các mô hình nuôi trồng, canh tác tổng hợp thích ứng với mùa hạn mặn, không lệ thuộc vào độc canh cây lúa.

Nông dân chủ động thay đổi cây trồng để thích nghi với hạn mặn - Ảnh 2
Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tại xã Lương Nghĩa huyện Long Mỹ (Hậu Giang), người nông dân nơi đây đã có sáng kiến biến những cánh đồng nhiễm mặn thành vùng đất con tôm sú luân canh cây lúa.

Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Rạng (ở xã Lương Nghĩa) cho biết để có mùa tôm quảng canh trúng mùa, đầu tiên ông bơm nước vào đôi ba lần cho gốc rạ mục, sau đó phải gia cố bờ bao, cống trên toàn bộ diện tích đất ruộng 35 công để tránh xì phèn, mặn...

Tại huyện Long Mỹ, Hậu Giang diện tích nuôi tôm luân canh cây lúa ngày càng mở rộng, dự kiến mùa khô năm nay thả nuôi khoảng 650 công tôm sú. Dự kiến, cơ quan chức năng địa phương sẽ phối hợp với Trường đại học Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh trên đất ruộng để các hộ dân mới tham gia nắm vững kỹ thuật, hạn chế rủi ro.

Ở một số nơi trong tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng do bị mặn thường xuyên, nông dân chỉ làm một vụ lúa, còn tranh thủ nước mặn để nuôi tôm, hay vùng khô hạn chuyển qua trồng cỏ, nuôi bò.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang cũng đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, việc đưa cây màu xuống chân ruộng, đặc biệt là cây dưa hấu đã và đang chứng minh được hiệu quả kinh tế. Theo bà con nông dân, thì dưa hấu là cây màu ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa, nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn mặn. Trung bình công (1.000 m2), đạt khoảng 3-4 tấn trái dưa hấu, bán với giá 4000đồng/kg thì người dân có thể thu về khoảng 10 triệu đồng.

Theo báo Nhân dân, tại Cà Mau, nhiều năm qua, ở các vùng khô hạn và mặn xâm nhập, tỉnh chủ trương không trồng 3 vụ lúa mà trồng 2 vụ lúa, một vụ màu. Cụ thể là ngay khi vụ lúa đông xuân kết thúc sớm, tỉnh cho xuống giống cây đậu xanh. Đây là giống màu chịu hạn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ cần tưới 2 lần.

Trong khi đó, ở các vùng hạn, mặn ở Tiền Giang, người dân chủ động chuyển một vụ lúa sang trồng các loại cây rau màu, cây ăn trái thích hợp trong đó có cây thanh long, cây đậu phộng.

Trong bối cảnh ĐBSCL đã, đang và sẽ còn chịu nhiều tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu nói chung và hạn mặn nói riêng, việc người nông dân ĐBSCL chủ động sáng tạo ra các mô hình nuôi trồng, canh tác thích ứng với mùa hạn mặn sẽ là những giải pháp phù hợp, hướng tới phát triển bền vững.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Nông dân chủ động thay đổi cây trồng để thích nghi với hạn mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới