Thứ sáu, 22/11/2024 20:40 (GMT+7)
Thứ hai, 15/03/2021 05:20 (GMT+7)

Nỗi lo rác thải khẩu trang

Theo dõi KTMT trên

Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo, các loại khẩu trang chứa chất dẻo vi mô và nano cùng các chất độc hại khác đang gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường.

Mỗi phút thế giới thải ra 3 triệu khẩu trang

Đại dịch virus Covid-19 hiện đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng khẩu trang để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do SARS-CoV-2 là điều rất cần thiết. Vì vậy, nhu cầu của người dân Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung về khẩu trang y tế rất lớn. 

Nỗi lo rác thải khẩu trang - Ảnh 1
Những chiếc khẩu trang bị vứt bỏ và trôi dạt khắp các bãi biển.

Tuy nhiên việc sử dụng khẩu trang cũng nảy sinh không ít vấn đề nhất là vấn đề rác thải và môi trường từ khẩu trang y tế. Hiện nay rác thải từ khẩu trang y tế và xử lý rác thải khẩu trang y tế lại trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết.

Các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa ô nhiễm nhựa đối với các đại dương và sinh vật biển. Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2018, có tới 13 triệu tấn nhựa trôi xuống đại dương mỗi năm. Biển Địa Trung Hải có 570.000 tấn nhựa chảy xuống hàng năm, tương đương với việc đổ 33.800 chai nhựa mỗi phút xuống biển theo như WWF đã mô tả. Những con số này có nguy cơ gia tăng đáng kể khi các quốc gia trên thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19.

Nhóm các nhà khoa học gồm Tiến sĩ, nhà nghiên cứu chất độc môi trường Elvis Genbo Xu, Đại học Nam Đan Mạch và Giáo sư Kỹ thuật môi trường và dân dụng Zhiyong Jason Ren, Đại học Princeton ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỉ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút.

Trong một bài bình luận trên tạp chí khoa học Frontiers of Environmental Science & Engineering (Địa hạt Khoa học và Kỹ thuật môi trường), các nhà nghiên cứu cảnh báo: “Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa”.

Khẩu trang đáng lo ngại hơn cả túi nilon

Khẩu trang dùng một lần là các sản phẩm bằng nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn, cụ thể là nhựa vi mô và nhựa nano phổ biến trong các hệ sinh thái.

Việc sản xuất một số lượng khổng lồ khẩu trang dùng một lần trong đại dịch đang ở quy mô tương tự như sản xuất chai nhựa với ước tính khoảng 43 tỉ chiếc mỗi tháng.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, khác với chai nhựa vốn đang được tái chế với tỉ lệ khoảng 25%, thì thế giới hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang.

Nỗi lo rác thải khẩu trang - Ảnh 2
Bộ sưu tập những bức ảnh về khẩu trang bị vứt bỏ trong môi trường ở thành phố Odense, Đan Mạch. (Ảnh: Tiến sĩ Elvis Genbo Xu)

Và nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. Chúng sẽ bị phân hủy trong thời gian tương đối ngắn, chỉ tính bằng tuần và tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5 mm) rồi sau đó phân mảnh thành nhựa nano (nhỏ hơn 1 micromet).

“Mối quan tâm mới hơn và lớn hơn là khẩu trang được làm trực tiếp từ các sợi nhựa siêu nhỏ (độ dày khoảng từ 1 đến 10 micromet). Khi bị phân hủy trong môi trường, khẩu trang có thể giải phóng nhiều hạt nhựa có kích thước siêu nhỏ, dễ dàng và nhanh hơn so với các loại nhựa lớn như túi nilon”, các nhà nghiên cứu viết.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo: “Những tác động như vậy có thể trở nên tồi tệ hơn bởi khẩu trang thế hệ mới làm từ vật liệu nano, sử dụng trực tiếp các sợi nhựa có kích thước nano (với đường kính nhỏ hơn 1 micromet) và nó tạo thêm một nguồn ô nhiễm nhựa nano mới”.

Tiến sĩ Elvis Genbo Xu, nhà nghiên cứu về chất độc môi trường nói: “Chúng tôi biết rằng, giống như các mảnh vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại, chẳng hạn như hợp chất BPA, kim loại nặng, cũng như các vi sinh vật gây bệnh”.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, họ không biết khẩu trang đóng góp như thế nào vào số lượng lớn các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường, đơn giản là vì chưa có dữ liệu nào về sự phân hủy của khẩu trang trong tự nhiên.

“Nhưng chúng tôi biết rằng, giống như các mảnh vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi gián tiếp đến thực vật, động vật và con người”, Tiến sĩ Elvis Genbo Xu cảnh báo.

Trên thực tế, các nhà bảo tồn ở Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó trôi dạt vào một bãi biển. Tương tự, người ta cũng phát hiện một chiếc khẩu trang trong bụng một con cá nóc chết ở ngoài khơi bờ biển Miami. Các nhà hoạt động người Pháp cũng đã phát hiện một con cua chết do bị mắc kẹt trong một chiếc khẩu trang trong một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải hồi tháng 9 năm ngoái.

Ông George Leonard, nhà khoa học thuộc tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở tại Mỹ, cho biết khi rác thải nhựa phân hủy trong môi trường sẽ hình thành các hạt nhỏ li ti. Những hạt nhỏ này sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và tác động đến toàn bộ hệ sinh thái.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của thiên nhiên, bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy. Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, không dệt nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Nếu cứ vứt ra môi trường mà không được xử lý triệt để bằng các phương pháp như đốt thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Xử lý rác thải khẩu trang y tế là vấn đề tuy nhỏ nhưng rất khó, bởi ngoài việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tự xử lý trước khi thải bỏ thì cơ quan chuyên môn nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp hữu hiệu để thuận lợi cho người dân trước trong và sau khi sử dụng khẩu trang y tế. Hơn nữa, cần có sự phân loại và xử lý theo quy trình, quy chuẩn nhất định".

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo rác thải khẩu trang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới