Thứ sáu, 29/03/2024 12:50 (GMT+7)
Thứ ba, 16/11/2021 10:00 (GMT+7)

Nỗ lực 'xóa sổ' than trong COP 26

Theo dõi KTMT trên

Tại COP26, thế giới chứng kiến nhiều cam kết mạnh mẽ. Một loạt quốc gia đưa ra những cam kết mới về lộ trình loại bỏ than.

Việc sử dụng than đá là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tổng cộng 47 nước đã ủng hộ “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Vương quốc Anh - nước Chủ tịch COP26 - khởi xướng nhằm thúc đẩy động lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng của nhiều nước tiêu thụ than lớn của thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Australia đã phủ bóng lên nỗ lực giành được sự ủng hộ toàn cầu đối với thỏa thuận trên.

Nỗ lực 'xóa sổ' than trong COP 26 - Ảnh 1
Nhiều nước tiêu thụ than lớn của thế giới không tham gia cam kết về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch. (Ảnh minh họa)

Ngày 4/11, các nước cam kết mới trong việc loại bỏ than cũng đã gia nhập Liên minh coi than là quá khứ (PPCA). Đây là liên minh do Vương quốc Anh và Canada phát động và thành viên của liên minh này gồm các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc gia và địa phương đang nỗ lực chuyển dịch khỏi điện than và là liên minh lớn nhất thế giới về loại bỏ than. Thành viên của liên minh này hiện gồm 165 nước, thành phố, khu vực và doanh nghiệp. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia PPCA.

Tuyên bố COP26 là một bước tiến lịch sử. Đây là lần đầu tiên chủ tịch COP ưu tiên vấn đề này và đề ra ngày chấm dứt nguồn tài chính dành cho nhiên liệu hóa thạch quốc tế. Chủ tịch Hội nghị COP26, ông Alok Sharma, cho rằng thỏa thuận này sẽ đưa thế giới đến gần với việc ngừng sử dụng than.

Các nhà tổ chức COP26 cho biết tại hội nghị, 23 nước đã đưa ra những cam kết mới về lộ trình loại bỏ than, gồm cả các quốc gia sử dụng nhiều nguồn năng lượng này như Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Viện nghiên cứu chính sách khí hậu Ember, trong số những quốc gia đưa ra cam kết mới mà AFP nắm được danh sách, 10 nước thực tế không hề sử dụng nguồn năng lượng này. Xét tổng thể, các quốc gia ký cam kết về than đá tại COP26 chỉ chiếm khoảng 13% sản lượng tiêu thụ toàn cầu.

Bên cạnh đó, tờ New York Times cũng ghi nhận rằng những nước sử dụng than nhiều nhất trên thế giới lại không tham gia cam kết này, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ có mức tiêu thụ lượng than tổng cộng chiếm gần 2/3 lượng than toàn cầu. Australia là nước sử dụng than lớn thứ 11 trên thế giới và cũng là nhà xuất khẩu than chính. Trong khi đó, Mỹ cũng không ký kết cam kết mặc dù nước này sử dụng than để sản xuất 1/5 tổng sản lượng điện năng tiêu thụ trong nước.

Khi được hỏi về lập trường của Australia, Bộ trưởng Năng lượng và giảm phát thải Angus Taylor cho biết Chính phủ Australia không muốn “xóa sổ” các ngành công nghiệp, mà thay vào đó tập trung cắt giảm chi phí cho các công nghệ phát thải thấp và đảm bảo những công nghệ đó có thể mang lại lợi ích cho người dân Australia và các nước khác. Ông nói ưu tiên này của Australia nhằm thúc đẩy mọi doanh nghiệp và đối tác nước ngoài trên khắp thế giới áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả giảm phát thải. Việc phổ biến công nghệ mới không thể xảy ra trong “một sớm, một chiều” và Australia sẽ tự đi trên con đường riêng của mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Nỗ lực 'xóa sổ' than trong COP 26 - Ảnh 2
Các quốc gia ký cam kết trong COP26. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo New York Times, quyết định trên của Mỹ dường như là do sức ép chính trị nội bộ mà Tổng thống Biden đang phải đối mặt. Hiện tại, chương trình nghị sự trong nước của Biden vẫn chưa thể thông suốt do vấp phải sự chia rẽ giữa hai đảng đồng thời phải phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện bang West Virginia, ông Joe Manchin III. Trong khi đó, bang West Virginia lại giàu nguồn tài nguyên than đá và khí đốt. Bản thân ông Manchin lại có mối quan hệ tài chính với ngành than và ông đã lên tiếng phản đối gay gắt bất kỳ chính sách nào liên quan đến việc cắt giảm khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Một số nhóm hoạt động môi trường vẫn tỏ ra thận trọng khi cam kết về cắt giảm sử dụng than nói trên vẫn mập mờ và mơ hồ về những chi tiết quan trọng như thời điểm cụ thể các nước sẽ chấm dứt việc sử dụng than. Bà Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ hoạt động về bảo vệ môi trường Greenpeace International, bình luận sự mập mờ đó chính là "lỗ hổng".

Ngoài ra, các cam kết đưa ra trong thỏa thuận COP26 không có tính ràng buộc, và nhiều bên ký kết cũng cho biết họ sẽ không thể loại bỏ than nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ các nước khác. Bên cạnh đó, thỏa thuận COP26 chỉ tập trung vào việc sản xuất điện từ than, mà không bao gồm việc sử dụng loại nhiên liệu này trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tại COP26, thế giới cũng chứng kiến nhiều cam kết mạnh mẽ. Lãnh đạo 137 nước nhất trí hành động để ngăn chặn việc phá rừng cũng như xói mòn đất vào năm 2030; Gần 90 quốc gia cam kết cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020; Hơn 20 quốc gia cam kết đến năm 2035 toàn bộ các ô tô và xe tải được sử dụng sẽ là xe không khí thải; Một loạt quốc gia sẽ đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới; Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - cũng ra tuyên bố chung cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

COP26 cũng chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và ngừng tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực 'xóa sổ' than trong COP 26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.