Thứ bảy, 20/04/2024 13:59 (GMT+7)
Thứ tư, 15/06/2022 17:50 (GMT+7)

Nỗ lực vì môi trường xanh

Theo dõi KTMT trên

Hội nghị Môi trường toàn quốc là sự kiện lớn của ngành Tài nguyên và Môi trường, nhằm nâng tầm công tác bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đạt những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. 

Trước đó, năm 2015, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV với 5 sự kiện chính được diễn ra; gồm: Phiên toàn thể Hội nghị; Hội thảo quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Hội thảo khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015; Triển lãm quốc tế về môi trường.

Hội nghị Môi trường toàn quốc là sự kiện lớn của ngành TN&MT và của cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Đây là sự kiện quan trọng, thiết thức đối với tất cả những người quan tâm và có trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Hội nghị nhằm tổ chức đánh giá kết quả đạt được, đề xuất nhóm các giải pháp, nhiệm vụ, chiến lược trọng tâm về bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn mới, nâng tầm công tác bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV năm 2015 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, với mục tiêu nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại và những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015. Hội nghị còn nhằm xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020; kịp thời phát hiện và tuyên dương các điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015; tăng cường các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Nỗ lực vì môi trường xanh - Ảnh 1
Hội nghị Môi trường toàn quốc là sự kiện lớn của ngành TN&MT và của cấp quốc gia, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản để phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng trở thành vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào tự mình giải quyết được. Nhìn lại 5 năm, bên cạnh những kết quả tích cực, cần nhìn nhận thẳng thắn vào những hạn chế trong việc bảo vệ môi trường: tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, cơ chế chính sách về môi trường còn chồng chéo, tính khả thi chưa cao, thực thi pháp luật chưa nghiêm. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ.

Cải thiện chất lượng môi trường có nhiều tiến bộ

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, thời gian qua, việc bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu, đó là:

Thứ nhất, thực hiện tương đối tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, trong đó có Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngày 1/10/2013, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020”, Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, ngày 5/5/2020, của Chính phủ, “Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” và các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Do vậy, hoạt động xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường có nhiều tiến bộ. Hoạt động xử lý nước thải, chất thải rắn đã được tăng cường thực hiện và giám sát. Không phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đã “xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Thứ hai, việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng tiết kiệm và hợp lý. Việt Nam đã tiến hành điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên. Kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động khai thác tài nguyên, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô. Tăng cường đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhằm làm cho tăng trưởng kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, hệ thống các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên được bổ sung, hoàn thiện, nhất là đất đai và khoáng sản. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường. Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt”.

Thứ ba, công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học có nhiều chuyển biến tích cực. “Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm hơn”. Đảng ta đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này đã được ban hành, tuyên truyền rộng rãi trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và nhân dân.

Thứ tư, Việt Nam là nước đang phát triển, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở mức độ còn thấp so với mức trung bình của thế giới, nhưng lại là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nước ta đã “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả”, tích cực triển khai xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Triển khai chương trình mục tiêu ứng phó với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát thải nhà kính. Tập trung xây dựng chương trình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng, khu vực, như vùng ĐBSCL.

Trong đó, một số chỉ tiêu môi trường đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đến năm 2020 đạt khoảng 90%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh ước đạt 90,2%, tăng mạnh so với năm 2015 (86,2%). Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 90%. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 khoảng 42%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra”. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay.

Sắp diễn ra Hội nghị môi trường lần thứ V

Ngày 14/6/2022, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc chủ trương tổ chức Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ V. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình của Hội nghị đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Hiện Bộ TN&MT đang tích cực phối hợp các Bộ ngành, địa phương xây dựng báo cáo tổng hợp giai đoạn, chương trình để tổ chức Hội nghị theo kế hoạch.

Lan An

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực vì môi trường xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới