Thứ sáu, 22/11/2024 17:56 (GMT+7)
Thứ ba, 18/01/2022 08:00 (GMT+7)

Nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sử dụng thu phí tự động không dừng trên toàn quốc

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia cho rằng, những ưu điểm của dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) đã được khẳng định, góp phần giúp giảm ùn tắc, minh bạch trong thu phí điện tử.

Trước tháng 6/2022, ít nhất 90% ô tô dán thẻ sử dụng thu phí ETC

Theo công văn mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi đến các UBND tỉnh, thành trong cả nước về việc đôn đốc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.

Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí dán thẻ đầu cuối khi chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông địa phương tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông.

Nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sử dụng thu phí tự động không dừng trên toàn quốc - Ảnh 1
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đôn đốc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). (Ảnh: Báo Chính Phủ)

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay trên toàn quốc đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC). Trong đó, có 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), có 30 trạm lắp hơn 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn. Còn hơn 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống ETC. Trong đó, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong những tuyến đường cuối cùng trên cả nước chưa có hệ thống ETC.

Đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 40-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Vì vậy, để tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ đôn đốc các nhà đầu tư BOT các dự án do Bộ GTVT và địa phương để chỉ đạo các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn ETC còn lại trong quý 1/2022.

Tổng cục cũng đề nghị các địa phương tổ chức vận hành trạm thu phí theo đúng yêu cầu của Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ là mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông đồng thời tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện trên địa bàn phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ chối phục vụ xe chưa dán thẻ ETC từ 5/5

Đây là thông tin mới nhất từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo đó, từ ngày 5/5 tới đây, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng. Khi đó, tuyến cao tốc này chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng, phương tiện không đủ điều kiện không được đi vào cao tốc.

Từ nay đến khi chính thức áp dụng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ gửi tin nhắn đến các chủ phương tiện sử dụng dịch vụ; Phối hợp với các địa phương nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong công tác tuyên truyền.

Đồng thời, Tổng cục cũng thực hiện rà soát công tác tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ để bảo đảm triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến này.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ dán thẻ cũng như nạp tiền sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở thống nhất với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI (đơn vị quản lý, khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ thí điểm thu phí tự động ETC hoàn toàn trên tuyến cao tốc này.

Trước khi thực hiện thí điểm sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân chuẩn bị, dán thẻ ETC trong thời gian từ nay đến hết quý I/2022. Sau thời gian này, xe không có đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được lưu thông. Sau thời gian thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc trong cả nước, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những ưu điểm của dịch vụ thu phí ETC đã được khẳng định, góp phần giảm ùn tắc, minh bạch trong thu phí. Vấn đề còn lại là sự hợp tác, chia sẻ của người dân.

Với việc đẩy mạnh dịch vụ ETC, nhất là trên các tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) đánh giá, điều này sẽ rất thuận tiện cho chủ phương tiện và nhà đầu tư dự án BOT. Trong đó, việc đăng ký, dán thẻ ETC không mất nhiều thời gian, công sức nhưng quá trình sử dụng tiện lợi, giảm tiếp xúc trực tiếp tại trạm thu phí, công tác đối soát, hậu kiểm thu phí cũng nhanh hơn, thuận lợi hơn.

“Để khuyến khích người dân, các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng, khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống. Các đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý những bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng”, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT chia sẻ.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sử dụng thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới