Nỗ lực hướng tới mục tiêu không phát thải trong ngành công nghiệp phương tiện
Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng là cơ hội để ngành GTVT phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến trên thế giới.
Đẩy mạnh phát triển phương tiện sử dụng điện
Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.
Theo thống kê, ngành Giao thông Vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện hóa được đánh giá có ưu thế.
Hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Bởi, xe điện không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái. Với lợi thế đó, thị trường xe điện thế giới đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022 cả nước đã chỉ có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, gần 1,8 triệu mô tô - xe máy.
Thực tế, thị trường xe điện thế giới trong những năm qua đã có những bước nhảy vọt. Năm 2021, số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019. Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8 năm 2022, cả nước có gần 3.000 ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô - xe máy điện đang hoạt động.
Là một nước đang phát triển, tiến trình công nghiệp hóa mới chỉ bắt đầu trong hơn 3 thập kỷ, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Với mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP từ 6,5% đến 7%/năm, các ngành và lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo để phát triển kinh tế đang là những ngành có mức độ phát thải khí nhà kính cao, việc đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải mạnh mẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có thể sẽ dẫn đến những thách thức to lớn đối với tăng trưởng kinh tế và điều tiết hài hòa giữa các ngành kinh tế.
Để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế”.
Cũng theo các chuyên gia, cam kết mạnh mẽ tại COP26 chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế nói chung và ngành Giao thông Vận tải nói riêng sang phương thức phát triển xanh. Đây cũng là cơ hội để ngành Giao thông Vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời, tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân…
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính thừa nhận hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ôtô.
Đối với xe điện, bà Ngọc khẳng định, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Trong khi đó, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường.
Cụ thể, chiến lược ô tô điện đã được phê duyệt từ năm 2014, hiện mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, chính sách nhà nước hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước cũng tương đương Thái Lan, Malaysia, Indonesia, mới chỉ tập trung vào thuế (như thuế tiêu thụ đặc biệt, trước bạ).
“Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề xuất sửa đổi Quyết định 1168/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để đảm bảo chiến lược này phù hợp với sự phát triển hiện nay. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường”- lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin.
Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh gồm giai đoạn 2022-2030 và giai đoạn 2030-2050.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2030 sẽ phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; trong đó từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Lan Anh