Thứ hai, 25/11/2024 12:56 (GMT+7)
Thứ tư, 12/08/2020 10:00 (GMT+7)

Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1
Mô hình trồng dưa lưới Kiro của Nhật Bản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận).

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận, năm 2020, tỉnh triển khai thực hiện 14 nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh ưu tiên các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao kỹ thuật canh tác, chuyển giao công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc thù.

Để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác với các viện, đơn vị nghiên cứu khoa học chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới cho một số ngành sản xuất theo hướng lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm nhằm tạo sự đột phá, tác động trực tiếp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian qua, thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, Ninh Thuận tập trung nghiên cứu, chuyển giao nhiều đề tài ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Tính riêng năm 2019, trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Ninh Thuận có 2 đề tài được các đơn vị ngoài tỉnh đánh giá cao và đề nghị chuyển giao gồm nghiên cứu sản xuất một số sản phẩm mới từ rong mơ Sargassum và nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ thịt cừu Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất các cây trồng chủ lực như nho, táo, nha đam, măng tây, cây dược liệu... ở khu vực nông thôn và miền núi với tổng diện tích 167 ha; ứng dụng công nghệ mới vào nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân với diện tích 50 ha. Đồng thời, tỉnh chuyển giao công nghệ cho hơn 600 hộ dân thực hiện dự án sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao, trồng rau thủy canh, sử dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) để bảo quản một số loại rau quả chủ lực, sử dụng vi sinh trong nuôi tôm thương phẩm, công nghệ laze san phẳng đồng ruộng, tưới nước tiết kiệm.

Song song với đó, tỉnh mở hơn 300 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến cho hơn 9.000 lượt hộ dân về kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật để áp dụng vào sản xuất như sử dụng cây gốc ghép, trồng cây trong nhà màng, trồng nấm linh chi trong môi trường bán tự nhiên, sử dụng lưới chắn côn trùng, trồng nho leo giàn chữ Y, bao chùm quả, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, sơ chế, chế biến và bảo quản các loại nông sản giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2
Giống nho mới NH 01 - 152 chất lượng cao đang được tỉnh Ninh Thuận trồng nhân rộng để phát triển kinh tế.

Một trong những kết quả nổi bật trong ứng dụng nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp là chọn tạo và nhân rộng nhiều loại giống cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ.

Điển hình như hoạt động nghiên cứu, chuyển giao giống cây trồng của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Từ năm 2016 đến nay, Viện thực hiện các đề tài nghiên cứu, tuyển chọn được 22 giống măng tây, 9 giống ổi, 9 giống xoài, 8 giống mãng cầu, 8 giống mít, 7 giống nhãn, giống táo TN 05, giống nho NH 01-152 chất lượng cao phục vụ sản xuất.

Là tỉnh vùng duyên hải, tận dụng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa đa dạng cộng thêm môi trường biển, nhiệt độ và độ mặn rất thích hợp nuôi một số loại cá biển và các loài nhuyễn thể nên Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nguồn giống các loại cá biển có giá trị kinh tế cao như cá mú Trân Châu, cá bớp, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá bè vẩu... đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nuôi trong, ngoài tỉnh.

Đồng thời, Trung tâm nghiên cứu, áp dụng mô hình nuôi cá lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái để nâng cao năng suất gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3
Trang trại nhân giống cá biển tại Trung tâm giống hải sản cấp I Ninh Thuận.

Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, những hoạt động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tốt, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, những hoạt động này còn góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về thay đổi tư duy của người dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Xác định khoa học - công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, giúp các sản phẩm này có đầu ra ổn định hơn và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu.

Nguyễn Thành

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới