Thứ năm, 03/10/2024 23:55 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/02/2020 07:50 (GMT+7)

Ninh Bình: Phát hiện mới về cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An

Theo dõi KTMT trên

Đề tài nghiên cứu tại Tràng An của Tiến sĩ Phạm Thị Nhị, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ và nhiều loài côn trùng lần đầu được ghi nhận ở Việt Nam.

Ninh Bình: Phát hiện mới về cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An - Ảnh 1
Quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: Minh Đức/ TTXVN)

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu cấu trúc quần xã côn trùng ở Khu Di sản thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình” do Tiến sĩ Phạm Thị Nhị, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật làm chủ nhiệm.

Đề tài đã phát hiện một loài mới thuộc họ ong Kén nhỏ và nhiều loài côn trùng lần đầu được ghi nhận tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Nhị cho biết khu Di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình là nơi chứa đựng tinh hoa văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên. Mặc dù là địa điểm nổi tiếng cả về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và du lịch tâm linh, các nghiên cứu về khu hệ động vật (đặc biệt là côn trùng) ở khu vực này còn rất hạn chế.

Các nghiên cứu về khu hệ thủy sinh vùng núi đá vôi của tỉnh Ninh Bình, bao gồm cả khu vực Tràng An đã ghi nhận sự có mặt ấu trùng của 21 loài côn trùng nước. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin nào về các loài côn trùng trên cạn ở khu vực này được công bố.

Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã ghi nhận tổng số 604 loài côn trùng thuộc 431 giống, 91 họ, 10 bộ tại Khu Di sản thế giới Tràng An.

Đề tài đã phát hiện một loài mới cho khoa học thuộc họ ong Kén nhỏ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận lần đầu 16 loài cho khu hệ côn trùng Việt Nam, bao gồm hai loài thuộc bộ Cánh cứng, hai loài thuộc bộ Cánh vảy và 12 loài thuộc bộ Cánh màng.

Đề tài đã phân tích thành phần các họ, giống, loài trong từng bộ côn trùng; xác định bộ côn trùng chiếm ưu thế về số lượng họ, số lượng giống và loài; phân tích cấu trúc thành phần loài trong các họ và giống, từ đó xác định họ côn trùng có số loài đa dạng nhất và giống côn trùng có số loài nhiều nhất.

Đề tài xác định các loài côn trùng gây hại cây trồng nông nghiệp, các loài thiên địch và các loài có ý nghĩa kinh tế tại khu vực nghiên cứu.

Ngoài một loài côn trùng được phát hiện mới cho khoa học, Đề tài đã ghi nhận hai loài côn trùng có giá trị bảo tồn tại Khu Di sản thế giới Tràng An, bao gồm loài Bướm phượng cánh chim chấm rời, là loài côn trùng có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; loài bọ hung Cosmiomorpha pacholatkoi Jákl là loài đặc hữu tại Việt Nam, chỉ được ghi nhận ở Vườn quốc gia Tam Đảo và Khu Di sản thế giới Tràng An.

Đề tài đã bàn giao 200 mẫu côn trùng cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Với các kết quả thu được, Đề tài đã đánh giá được cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An, một mặt nhằm khám phá giá trị đa dạng sinh học nổi bật của khu di sản thế giới, mặt khác cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững ở danh thắng đặc biệt này.

Hoàng Nam

Bạn đang đọc bài viết Ninh Bình: Phát hiện mới về cấu trúc quần xã côn trùng ở Tràng An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bến Tre: Phát động dự án trồng mới 15ha rừng phi lao
Ngày 28/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tổ chức “Lễ phát động trồng cây của dự án trồng mới 15ha rừng phi lao” tại 2 huyện Ba Tri và huyện Bình Đại.
Trong tháng 10 Biển Đông có thể sẽ đón 2 cơn bão
Trong tháng này, bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền của nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, khoảng 2 cơn.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.