Thứ năm, 19/09/2024 06:29 (GMT+7)
Thứ hai, 16/09/2024 15:27 (GMT+7)

Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân

Theo dõi KTMT trên

Sau bão lũ, người dân và chính quyền cần thanh tẩy môi trường sống. Đồng thời lưu ý phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, đây là lúc chúng ta cần tái thiết đời sống, kinh tế.

Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân - Ảnh 1
Nhiều công trình tại Quảng Ninh bị thiệt hại do bão Yagi.

Xử lý ô nhiễm môi trường sau bão lũ

Cơn bão Yagi lịch sử quét qua hầu hết các tỉnh, thành phía Bắc đã để lại những hậu quả nặng nề. Đến nay thiệt hại do bão gây ra là khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; khoảng 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Cơn bão lịch sử đã tàn phá nhà cửa, mùa màng, sinh kế và gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em, gia đình và cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương.

Sau khi bão tan, mưa giảm, lũ rút thì việc vệ sinh môi trường là điều cần phải làm ngay.

Sau đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên  Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.

Nước rút đến đâu cần huy động cộng đồng làm vệ sinh môi truờng đến đó vì nếu không làm kịp thời, sẽ khó đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

Các biện pháp thực hiện gồm: đẩy sạch bùn đất ra khỏi nhà cửa; khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.

Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi. Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, loăng quăng và muỗi. Phun hóa chất diệt côn trùng những nơi có nguy cơ cao.

Xử lý xác động vật

Vị trí chôn xác súc vật tốt nhất là ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, sông, hồ...) ít nhất 50m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30m và phải xử lý kỹ bằng hoá chất khử khuẩn tẩy uế.

Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất khoảng dày khoảng 10cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2 - 3kg vôi bột lên trên hoặc phun dung dịch hoá chất khử khuẩn, tẩy uế rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.

Khử khuẩn nơi có xác súc vật, sau khi chuyển xác súc vật đi chôn phải phun thuốc khử khuẩn hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hoá chất khử khuẩn thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.

Kiểm tra nơi chôn xác súc vật, hàng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

Xử lý nước sinh hoạt sau lũ

Đối với nước khe, nước lần: Tiến hành xử lý nước khe, nước lần theo 3 bước:

- Bước 1: Thau rửa bể chứa nước hoặc vệ sinh khu vực lấy nước đầu nguồn; Vệ sinh, khơi thông bùn đất, rác thải, xác động vật chết khu vực lòng suối, khe, lần đầu nguồn tại vị trí điểm đầu dẫn nước về sử dụng sinh hoạt; Làm vệ sinh bùn đất, rác thải bể chứa nước tập trung đầu nguồn (nếu có); Kiểm tra sửa chữa toàn bộ đường ống dẫn nước từ vị trí lấy nước (vị trí khe, lần nước hoặc bế chứa nước tập trung đầu nguồn) về từng hộ gia đình.

- Bước 2: Biện pháp làm trong nước. Nước suối, khe, lần được dẫn về và chứa vào các dụng cụ chứa nước của các hộ gia đình, cơ quan, công sở (bế, téc, lu, chum...) đủ dùng sinh hoạt trong ngày để đảm bảo làm trong nước; Dùng phèn chua liều lượng 50 gam/1m­­3 nước, (50 gam tương đương nửa lạng) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa không quá 100 gam/1m­­3; Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu; Cho nước phèn chua đã hòa tan vào bể, téc, lu, chum... chứa nước rồi khuấy đều đảm bảo nước phèn chua hòa tan trong nước sinh hoạt cần làm trong, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.

- Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước: Ước lượng nước chứa trong dụng cụ chứa nước (bể, téc, lu, chum...) được dẫn từ khe, lần sau khi đã làm trong như ở bước 2 (tính bằng m3) để xác định hoá chất khử trùng. Cứ 1m­­3 nước hoà tan 10 - 20gam Chloramine B, tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước). Múc một gáo nước (khoảng 1 -2 lít) và hoà tan lượng hoá chất nói trên vào nước (phải khuấy đều cho tan hết hóa chất). Sau đó, đổ nước hóa chất đã hòa tan vào bể, téc, lu, chum... chứa nước rồi khuấy đều đảm bảo nước khử trùng được hòa tan trong nước sinh hoạt cần khử trùng. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B/1m­­3 nước, khuấy đều rồi cho vào bể, téc, lu, chum... chứa nước đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo. Nếu lỡ cho quá nhiều Chloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Clo mới sử dụng.

Lưu ý: Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn; Sau khi khử trùng nếu ngửi nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng; Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

b) Đối với giếng khơi (giếng đào): Tiến hành xử lý nước giếng khơi theo 3 bước:

Bước 1: Thau rửa giếng:

- Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.

- Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau, tát, vét giếng, lấy hết bùn, rác và rửa thành giếng.

Bước 2: Biện pháp làm trong nước

- Dùng phèn chua liều lượng 50 gam/1m­­3 nước, (50 gam tương đương nửa lạng) nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa không quá 100 gam/1m­­3.

- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.

- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần, đợi 30 phút sau mới khử trùng nước.

Bước 3: Biện pháp Khử trùng nước giếng:

- Ước lượng nước trong giếng (tính bằng m­­3) để xác định hoá chất khử trùng. Cứ 1m­­3 nước hoà tan 10 - 20gam Chloramine B, tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).

- Múc một gàu nước và hoà tan lượng hoá chất nói trên vào nước (phải khuấy đều cho tan hết hóa chất). Sau đó, thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần. Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Chlo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Chlo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B/1m­­3 nước, khuấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Clo mới đảm bảo.

- Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng.

- Giếng đã khử trùng sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít). Nếu lỡ cho quá nhiều Chloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi Clo mới sử dụng...

Lưu ý:  Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn. Sau khi khử trùng nếu ngửi nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Khử trùng môi trường

- Toàn bộ khu vực dân cư, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng, đặc biệt là khu vực tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, chợ... cần phải được thực hiện tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế để đảm bảo không phát sinh, lây lan bệnh dịch sau lũ.

- Bố trí kinh phí và cán bộ để thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế cho toàn bộ các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị (trường học, bệnh viện…) và khu vực công cộng (chợ, đường giao thông…) trong khu vực trung tâm lũ. Trong đó, đặc biệt là các điểm có phát hiện xác người, động vật chết.

Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân - Ảnh 2
Người dân tại TP Yên Bái dọn dẹp sau khi lũ rút. Ảnh: VGP.

Phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh sau bão, lũ

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. “Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”. Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó là nguy cơ xảy ra các bệnh: thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ.

Trước nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão lũ, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.Ngành y tế các tỉnh, thành cũng cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.

Sau khi nhận được đề nghị của tỉnh Sơn La, ngày 12/9, Bộ Y tế đã quyết định xuất cấp từ kho hàng phòng chống thiên tai cho Sở Y tế tỉnh này 3.000 thùng Cloramin B với tổng số 75.000kg để khử khuẩn nguồn nước.

TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sau cuộc họp ngày 12/9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo đơn vị chức năng xuất cấp cho mỗi tỉnh 2 tấn CloramB, sau đó cấp tiếp 100.000 viên Aquatabs để ngay lập tức nguồn nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý môi trường y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo kịp thời, đồng thời, hướng dẫn cho người dân về xử lý nguồn nước sinh hoạt đã bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Để phòng, chống các dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa bão, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chú trọng an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Sau đây là 10 biện pháp đơn giản mà người dân có thể thực hiện để phòng tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong và sau bão lũ:

  • Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đấy; thu gom, xử lý, chôn xác súc vật.
  • Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng.
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch sẽ và lau khô kẽ ngón chân.
  • Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi.
  • Khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ nhiễm bệnh.
  • Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.
  • Ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.
  • Chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh.
  • Khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân - Ảnh 3
Lực lượng chức năng di dời người dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Cần quyết sách mạnh để tái thiết sau cơn bão dữ

Công tác khắc phục hậu quả bão lũ vẫn đang được thực hiện khẩn trương. Nhiều người dân vùng thiệt hại do bão lũ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia…

Điều quan trọng trong thời gian tới là Chính phủ và các bộ, ban, ngành và từng địa phương cần sớm ra quyết sách mạnh để sớm ổn định đời sống, hướng tới tái thiết nền kinh tế. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước.

Ngoài thiệt hại về người, theo Bộ này, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, Nhà nước. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.

Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân - Ảnh 4
Bè mảng nuô trồng thủy sản vỡ nát trôi dạt tại khu vực biển TX Quảng Yên.

"Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại", Bộ trưởng Dũng nói, cho biết tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng hạ 0,05% và dịch vụ 0,22%. GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.

Do đó, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần có những chính sách về tài khóa phù hợp. Cụ thể là giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ dân chịu ảnh hưởng bởi bão.

Đến nay nhiều ngân hàng như Vietcombank, VPBank... đã kịp thời giảm lãi suất 0,5 - 1% cho khách hàng bị thiệt hại do bão lũ gây ra. Với những khoản nợ đến hạn phải trả, ngân hàng thương mại chủ động hoãn, giãn nợ cho khách hàng.

Còn để doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng xem xét mạnh dạn cho vay mới.

Tuy nhiên, quá trình khắc phục hậu quả dự kiến sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực. Các chuyên gia cảnh báo rằng, những biện pháp này có thể không đủ để giảm thiểu toàn bộ tác động từ cú sốc tổng cung do bão gây ra. Nếu không có các giải pháp hiệu quả, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế sau bão.

Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai - Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai - cho biết, đối với khu vực miền núi phía Bắc, hiện nay, có 3 nhóm giải pháp khẩn cấp.

Thứ nhất, phải đánh giá nhanh mức độ thiệt hại về nhà, nhà nào có mức độ thiệt hại nhỏ cần khẩn trương khắc phục để ổn định đời sống cho hộ dân đó.

Thứ hai, có thể hỗ trợ cho các hộ dân xung quanh có một nơi ở an toàn. Đối với những nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc những khu vực lớn bị sạt lở, phải tái thiết xây dựng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, phải đảm bảo nơi ở mới hỗ trợ người dân sau thiên tai an toàn, phát triển bền vững về sinh kế. Do vậy, đối với những khu vực tái định cư bắt buộc, phải có những chính sách hỗ trợ ngay cho người dân ở tạm nhà người thân hoặc hàng xóm. Sau đó, quy hoạch nơi ở mới, đảm bảo ổn định lâu dài và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Còn theo TS Phạm Xuân Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, với những hộ nông dân bị mất trắng tài sản, họ không còn khả năng trả nợ, để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, Chính phủ cần có quyết sách cấp bù ngân sách cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện xóa toàn bộ hoặc một phần nợ cho nông dân. 

Theo ông Hòe, theo quy định hiện hành trong tình trạng khẩn cấp, Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ cho người dân. Quy định này có thể xem xét áp dụng cho nhiều trường hợp hiện nay vì họ cũng đã rơi vào cảnh mất trắng tài sản, không còn gì để trả nợ.

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và các tổ chức tài chính có thể đưa ra các gói vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tái thiết; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất hoặc thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, việc trợ cấp một phần chi phí tái thiết, sửa chữa cũng rất cần thiết để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Ngoài việc hỗ trợ giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, thì cần có thêm những chính sách khác về thị trường, lao động, giảm bớt thủ tục rườm rà… để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân - Ảnh 5
Một trang trại chăn nuôi gà ở Phúc Thọ (Hà Nội) bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cũng kiến nghị cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, cần giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, miễn tiền thuê đất… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện bao gồm cả nguồn điện và lưới điện, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất...

Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét…

Ngoài ra, mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2024; tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các địa phương bị ảnh hưỡng bởi bão số 3 đến hết tháng 12/2024.

Tuy vậy, theo báo cáo chiến lược tháng 9 từ Trung tâm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS Research), mặc dù thiệt hại là rất lớn, một số ngành có thể hưởng lợi từ quá trình tái thiết sau bão. Đặc biệt, ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu sửa chữa và tái thiết hạ tầng sau bão. Ngoài ra, việc đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường bộ và cảng biển cũng sẽ giúp kích thích tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, ngành sản xuất phân bón và vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trong quá trình tái thiết. Tuy nhiên, việc khôi phục lại hoàn toàn sản xuất và giảm áp lực lạm phát sẽ cần thời gian và nỗ lực lớn từ Chính phủ và các doanh nghiệp.

Siêu bão Yagi đã gây ra những thiệt hại chưa từng có, nhưng cũng đồng thời làm nổi bật nhu cầu nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp cần có các biện pháp chủ động hơn để giảm thiểu tác động của những sự kiện thiên tai tương tự trong tương lai.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Những việc cần làm sau bão lũ để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới