Những thành phố nguy cơ bị xóa sổ vì biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nhiều thành phố trên thế giới. Nếu không sớm có biện pháp khắc phục, những thành phố này sớm muộn có nguy cơ bị xóa sổ.
Venice, Ý
Venice là thành phố lâu đời và lãng mạn nhất nước Ý, với những cây cầu bắc qua nhiều con kênh ngay trong lòng thành phố. Thế nhưng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đã khiến thành phố ngập trong biển nước.
Thành phố lãng mạn này đang chìm nhanh hơn dự tính tới 5 lần và sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào một ngày không xa.
Rất hiếm nơi trên thế giới bị đe dọa bởi khí hậu biến đổi như ở Venice, bởi thành phố được xây dựng trên đầm lầy. Sự tồn tại của thành phố đòi hỏi việc duy trì cân bằng tuyệt đối giữa thành phố và thiên nhiên. Nhưng trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến sự cân bằng đó bấp bênh như "ngàn cân treo sợi tóc".
Mực nước biển dâng cao khiến triều cường và lũ lụt ngày càng phổ biến hơn ở Venice. Theo AP, tháng 11 năm nay, Venice đã trải qua ba trận ngập lụt kỷ lục chỉ trong vòng một tuần.
Chiara Bertolin, Phó Giáo sư Đại học Khoa học và công nghệ Na Uy cho rằng, nước biển bẩn và mặn có thể xâm nhập vào các tòa nhà và tượng đài ở Venice, khiến chúng nở ra, nứt vỡ hoặc thậm chí là nổ tung như bong bóng.
Adam Markham, Phó Giám đốc Chương trình khí hậu và năng lượng của Liên minh Các nhà khoa học, cho biết: "Họ cần phải nhanh chóng hành động". Ông cảnh báo Venice có thể mất vài công trình kiến trúc lịch sử khi mực nước đang ngày càng dâng cao. Chúng có thể làm suy yếu cấu trúc và nền móng của các tòa nhà khiến chúng dễ dàng sụp đổ.
Amsterdam, Hà Lan
Hà Lan là một đất nước nằm trong vùng đất thấp và thực tế ¼ đất nước này nằm dưới mực nước biển. Mặc dù được bảo vệ bởi một hệ thống đê điều lớn, nhưng thủy triều ngày càng tăng cao và điều kiện thời tiết bất ổn, người Hà Lan có một lý do chính đáng để lo lắng về đất ở và cuộc sống của họ.
Cũng giống như Venice, Amsterdam cũng có một hệ thống đường thủy chằng chịt trong thành phố, và sẽ bị nước biển bao phủ nếu mực nước biển dâng thêm 2m nữa.
Nước biển dâng nhanh do biến đổi khí hậu trong thế kỷ này là một thực tế khẩn cấp, và Chính phủ Hà Lan đang chạy đua với thời gian để giữ cho một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới không bị chìm xuống Biển Bắc.
Hiện tại, các dự báo nước biển dâng được xếp từ cấp độ "đối phó được" cho đến các kịch bản "tận thế" - tức vượt quá khả năng phản ứng của các quốc gia.
Việc Hà Lan đối phó được bao nhiêu m nước biển dâng còn tùy thuộc vào thời gian chuẩn bị. Chính phủ nước này ước tính các lớp phòng thủ hiện tại chỉ đủ xài đến năm 2050.
Hamburg, Đức
Thành phố lớn thứ 2 của Đức nằm trên một vùng lũ của sông Elbe, cách bờ biển phía Bắc chỉ 100km. Mặc dù được bảo vệ bởi một hệ thống đê điều phòng lũ vững chắc, nhưng thành phố này vẫn thường xuyên bị ngập lụt do mưa nhiều và thủy triều do mực nước biển liên tục dâng cao. Năm 2002, thành phố đã bị thiệt hại ước tính khoảng 20.8 triệu USD do lũ lụt gây ra.
Los Angeles, Mỹ
Là một thành phố ven biển, đồng thời là nơi tập trung của các ngành công nghiệp, thành phố đông dân này đứng trước nguy cơ ngập lụt rất lớn mặc dù trong vòng 200 năm nữa, nước biển với bắt đầu có thể nhấn chìm nó. Theo một số nghiên cứu mực nước biển Thái Bình Dương của Đại học Nam California, bờ biển của Los Angeles đang dần bị nước biển ăn sâu vào trong, đồng nghĩa với việc một số công trình và tòa nhà ven biển có nguy cơ bị phá hủy nặng nề bởi lũ lụt.
San Francisco, Mỹ
Là một thành phố khác của bang California, San Francisco được hình thành trên một bán đảo hình cung, bởi vậy nó được biết đến với cây cầu nổi tiếng Golden Gate hùng vĩ, nhiều kiến trúc ấn tượng và cảnh quan xinh đẹp. Mặc dù cả bang California được bao quanh bởi các dãy núi cao, nhưng San Francisco rất khó để bảo vệ bởi địa hình và nguy cơ nước biển dâng cao.
St. Petersburg, Nga
Thành phố từng là thủ đô của nước Nga, được mệnh danh là “Venice của phương Bắc”, St. Petersburg được hình thành trên một loạt các hòn đảo và nằm ở cửa của con sông Neva hung dữ.
Chính vì vậy, ngay từ khi được thành lập, nơi đây thường phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, những năm gần đây thậm chí còn có xu hướng thường xuyên và nguy hiểm hơn. Một rào cản nhằm bảo vệ thành phố được chính phủ đầu tư khá nhiều tiền đã được xây dựng. Nếu không có hệ thống này St. Petersburg chắc chắn sẽ bị nhấn chìm trong biển nước.
London, Anh
Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi diện mạo London theo chiều hướng xấu. Các nhà khoa học lo ngại, mực nước biển dâng cao do trái đất nóng lên sẽ nhấm chìm nhiều khu vực ở London.
Thành phố này được xây dựng quanh cửa sông Thames, phần lớn diện tích của thành phố, đặc biệt là phía Nam và phía Tây là một đầm lầy, điều này có nghĩa là phần đất ở đây đã hấp thu quá nhiều nước. Chính vì vậy, nếu nước biển dâng dẫn đến nước sông tràn vào cũng có nghĩa phía Nam London sẽ bị ngập hoàn toàn.
Bangkok, Thái Lan
Thái Lan đang nằm trong tình trạng báo động đỏ của các chuyên gia về nguy cơ biến mất trong tương lai. Sự vận động của các dòng hải lưu, tác động của bùng nổ các khu dân cư, thành phố lớn đã tăng cường xói mòn bờ biển. Không chỉ các miền duyên hải, nước biển đang có xu hướng dần di chuyển vào đất liền và khả năng sẽ “xóa xổ” nhiều thành phố lớn, gần nhất là Bangkok – nơi được xây dựng trên một nền đất yếu và chịu áp lực bởi các tòa nhà cao tầng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập trong vòng 12 năm tới. Điều này càng đáng lo ngại khi thủ đô của Thái Lan được xây dựng trên vùng đầm lầy với cao độ chỉ khoảng 1,5m so với mực nước biển.
Ông Tara Buakamsri, Giám đốc Tổ chức Greenpeace Thái Lan, cảnh báo Bangkok đang lún trung bình 2cm mỗi năm, dẫn đến nguy cơ ngập lụt trên diện rộng vì “phần lớn thành phố đã nằm dưới mực nước biển”. Trong khi đó, mực nước biển tại vịnh Thái Lan dâng thêm khoảng 4mm mỗi năm.
Singapore
Quốc đảo Singapore đang nằm trong tâm điểm của mối đe dọa từ mực nước biển dâng cao, khi băng tan ở hai cực khiến dòng nước đổ về xích đạo.
Đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm, Singapore đang dốc toàn lực để đối phó.
Singapore đã công bố kế hoạch đầu tư 100 tỉ SGD (tương đương 73,8 tỉ USD) trong vòng 50 - 100 năm tới nhằm củng cố đường bờ biển trước nguy cơ nước biển dâng cao.
Kế hoạch này bao gồm xây dựng một nhà máy bơm nước tại đập Marina Barrage, lập các vùng đất thấp có đê bọc và đòi lại những hòn đảo ngoài khơi trên bờ biển phía Đông Singapore. Ngoài ra, Singapore cũng nỗ lực phát triển khoa học công nghệ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Jakarta, Indonesia
Jakarta là một trong những thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới với một phần ba diện tích có thể ngập dưới nước năm 2050.
Nền đất Bắc Jakarta đã sụt xuống 2,5m trong hơn 10 năm qua, và đang tiếp tục sụt lún khoảng 25cm nữa ở một số khu vực, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu của các đô thị ven biển. Tốc độ sụt lún trung bình của Jakarta là 1-15cm một năm, gần một nửa thành phố đang nằm dưới mực nước biển. Ảnh hưởng của nó hiển thị rõ ràng tại khu vực phía Bắc.
Trước tình hình trên, mới đây Chính phủ Indonesia tuyên bố thủ đô Indonesia sẽ chuyển từ Jakarta đến đảo Borneo.