3 triệu người Đức có thể trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu tiềm ẩn nguy cơ đe dọa khu vực bờ biển miền Bắc nước Đức, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân nơi đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: DPA) |
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, biến đổi khí hậu tiềm ẩn nguy cơ đe dọa khu vực bờ biển miền Bắc nước Đức, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân nơi đây khi viễn cảnh mực nước biển ở khu vực duyên hải nước Đức chịu tác động của biến đổi khí hậu có thể dâng thêm từ 80-90 cm theo dự báo của giới chuyên gia, trở thành hiện thực.
Thảm họa từng xảy đến với thành phố biển Hamburg vào nửa đêm 16/11/1962 khi người dân nơi đây đang ngủ. Một trận bão lớn ở Biển Bắc đã khiến mực nước trên sông Elbe dâng cao tràn bờ, nhiều đoạn đê bị vỡ dẫn tới nhiều khu dân cư bị ngập trong nước.
Do không có cảnh báo trước nên thảm họa bất ngờ này đã cướp đi sinh mạng của trên 300 người. Vụ việc đã gây chấn động, cho thấy rõ mức độ dễ tổn thương ở khu vực bờ biển khi gặp phải thảm họa thiên nhiên.
Sau vụ việc này, chính quyền địa phương đã có hàng loạt biện pháp để chống bão và sóng khi nhiều con đập và những con đê được xây dựng hoặc nâng độ cao.
Tuy nhiên, giờ đây, khu vực ven biển ở miền Bắc nước Đức lại phải đối mặt với mối nguy khác, đó là biến đổi khí hậu. Hậu quả là mực nước biển sẽ dâng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống người dân nơi đây.
Vào cuối thế kỷ qua, mực nước biển ở khu vực bờ biển nước Đức đã dâng cao khoảng 20cm và dự đoán đến cuối thế kỷ này, nước biển sẽ dâng cao đến 90cm nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm từ 3-4 độ C.
Chuyên gia nghiên cứu về khí hậu Mojib Latif thuộc Trung tâm nghiên cứu Geomar ở Kiel cảnh báo khi nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng, trường hợp xấu nhất vào cuối thế kỷ này, mực nước biển thậm chí có thể dâng cao tới hơn 1m. Hậu quả là trên 3 triệu người ở khu vực ven biển miền Bắc có thể mất quê hương.
Nhiều thành phố sẽ biến mất. Các thành phố như Bremen hay Cuxhaven sẽ chỉ còn là những ốc đảo và bản đồ châu Âu sẽ phải được vẽ lại.
Theo Viện Nghiên cứu khí hậu Potsdam, một nửa dân số nghèo nhất thế giới (khoảng 3,5 tỉ người) chỉ chịu trách nhiệm gây ra khoảng 3% lượng khí thải nhà kính, trong khi chỉ 10% số người giàu có nhất thế giới lại gây ra tới một nửa lượng khí CO2.