Những rủi ro pháp lý tạo kẽ hở cho tội phạm đất đai tung hoành
Hàng loạt doanh nghiệp bị “tuýt còi" vi phạm mở bán các dự án bất động sản khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý. Thực tế trường hợp như Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba gần đây “vẽ” gần 50 dự án với hàng chục nghìn lô đất để lừa đảo tới 2.500 tỉ đồng lại không là chuyện hiếm.
Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang phải đối mặt với tình trạng rất phổ biến là dù đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nhưng không thể hoàn thiện pháp lý để triển khai do gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính.
Rủi ro về thủ tục pháp lý luôn 'rình rập' thị trường bất động sản. Ảnh minh họa. |
Các vướng mắc mà nhiều chủ đầu tư gặp phải là dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng cơ quan có thẩm quyền không nhận hồ sơ thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc quá trình phê duyệt rất lâu, phức tạp, làm mất đi cơ hội kinh doanh... Dự án xen kẹt đất ở, đất nông nghiệp, đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý phải thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất; giao đất cho chủ đầu tư… thường kéo dài nhiều năm, tốn kém chi phí, công sức.
Do đó, nhiều chủ đầu tư đã “bất chấp” quy định pháp luật, tự ý vẽ quy hoạch phân lô để bán trước cho khách hàng dưới dạng đặt cọc, đặt chỗ, thoả thuận góp vốn... Người dân không tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án, hay ham rẻ, ham lợi nhuận cao nên đã bỏ tiền mua đất từ những dự án chưa đủ điều kiện, dự án ma.
Alibaba “vẽ” dự án “ma” lừa đảo 2.500 tỉ đồng
Liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, hai ngày qua, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP. HCM đã khởi tố Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch công ty, là chủ mưu của vụ lừa đảo gây rúng động thị trường bất động sản. Các lãnh đạo cấp cao cùng nhân viên Alibaba khác cũng bị khởi tố, điều tra.
Một dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. |
Theo thông tin ban đầu, thủ đoạn của các đối tượng này là thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp sau đó làm đường nối các khu đất chính, giao cho các cá nhân đứng tên và phân lô bán nền. Sau khi có được số lượng lớn đất nông nghiệp trong tay, mặc dù chưa làm thủ tục pháp lý, chưa chuyển đổi sang đất thổ cư, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép nhưng Công ty Alibaba dưới sự chỉ đạo của Luyện và Lĩnh đã tự vẽ ra quy hoạch 40 dự án "ma" tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Thuận. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 29 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu có 9 dự án và tỉnh Bình Thuận có 2 dự án.
Tính đến ngày 30/6/2019, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho khoảng 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.
Để tạo niềm tin cho người mua, công ty này thậm chí còn cam kết chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư để bán cho khách hàng. Thực tế UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần công bố tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án khu dân cư nào cho Địa ốc Alibaba, nhưng công ty này vẫn ngang nhiên rao bán đất nền "ảo" trên website.
Hàng loạt dự án "ma" hoành hành tại TP.HCM
Mới đây, tháng 8/2019, UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã ra văn bản cảnh báo người dân cẩn trọng với một dự án ma do Công ty Vietland làm chủ đầu tư nằm trên đường Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.
Khu đất được rao bán do Công ty Vietland làm chủ đầu tư là đất quy hoạch tái định cư. |
Theo ông Lưu Minh Đạt, Chủ tịch UBND phường Tân Tu khu đất này nằm trong quy hoạch đất tái định cư do quận quản lý. Trên địa bàn phường không có dự án đất nền nào đang triển khai như trên.
Hồi tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân cũng cảnh báo về 6 doanh nghiệp bán dự án ma bao gồm: Công ty TNHH phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Angel Lina, Công ty Bất Động Sản Anh Kiệt, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài. Trong đó, Nablaland và Angel Lina là hai đơn vị có nhiều dự án nhất.
Liên quan đến tình trạng các "đầu nậu" phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn TP.HCM, tại Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX, các đại biểu đã thể hiện quyết tâm sẽ xử lý mạnh tay đối với các đối tượng cố tình vẽ dự án hòng “bẫy” khách hàng vào tròng.
Trước đó, ngày 4/4/2019, UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. HCM đã phát đi thông báo về việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại Tổ 5, Khu phố 6, phường này liên quan đến Công ty Cổ phần Đầu tư Angle Lina và Công ty BĐS Hoàng Ân Group.
Theo đó, UBND phường Linh Trung khẳng định không có dự án nào trong khu vực Tổ 5, Khu phố 6. Khu vực đất này nằm trong diện quy hoạch làng đại học chờ giải tỏa đền bù nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Angle Lina và Công ty BĐS Hoàng Ân Group "vẽ" dự án và rao bán.
Khách hàng dễ "sập bẫy" các dự án ma
Gần đây, trước tình trạng đất đai liên tục “sốt” giá ở Khánh Hòa, hàng loạt người dân đã "sập bẫy" các dự án “ma”. Có người kiệt quệ khi dốc cạn gia sản vì tin theo lời quảng cáo.
Một trong những điệp khúc quảng cáo gian dối của các dự án “ma”, dự án ngụy trang đang hoành hành ở Khánh Hòa là: tiện ích đủ mặt, gần chợ, quốc lộ, sớm ra sổ đỏ, quy hoạch đường lớn chạy qua, cam kết sinh lợi khủng... Tuy nhiên, nhiều người đã mua phải “bánh vẽ”.
Dự án khu dân cư đô thị Phú Quý thực chất không được chính quyền cấp phép. |
Khi nghe quảng cáo, mời mọc, lại thấy giá rẻ, nhiều khách hàng đã mua lô đất tại khu dân cư đô thị Phú Quý (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) với giá 12 triệu đồng/m2. Sau đó mãi vẫn không thấy động tĩnh gì trong việc triển khai hạ tầng, hốt hoảng đi hỏi chính quyền địa phương mới vỡ lẽ ra là dự án ngụy trang đất đô thị, thực chất chỉ là mấy ruộng lúa mà một số đối tượng góp tiền mua, đổ đất xuống, chia lô, rồi bịa ra tên khu dân cư, ngụy tạo đó là dự án nhà ở đô thị.
Liên quan đến vụ lừa đảo tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, sáng 26/8, sau nhiều lần đến trụ sở Địa ốc Alibaba để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết, các khách hàng từng bỏ tiền mua đất của Công ty này đã căng băng rôn trước cổng công ty quyết đòi bằng được số vốn đã đầu tư.
Cách thức hoạt động của Công ty Địa ốc Alibaba tinh vi hơn các công ty hoạt động môi giới đất nền bình thường. Cụ thể, Nguyễn Thái Luyện ( CEO Công ty) dùng chiêu thức tinh vi, lập dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa khách hàng.
Đáng nói, Luyện còn chủ trương hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, đội ngũ nhân viên cũng tham gia đóng góp “cổ phần” vào dự án. Chính vì thế, không mấy khó hiểu khi xảy ra các vụ việc như: bị cưỡng chế ở các dự án ma, bị cơ quan pháp luật điều tra, bị báo chí phản ánh… thì đội ngũ nhân viên của Alibaba vẫn sống chết để bảo vệ, vì hơn hết vẫn có quyền lợi trong đó.
Theo Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ tháng 7/2015, các dự án phải xin phê duyệt 1/2000 xác định quy hoạch vùng, 1/500 xác định quy hoạch sử dụng đất, thiết kế cơ sở, phương án kiến trúc… đồng thời chủ đầu tư phải hoàn tất tất cả các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để có Quyết định đầu tư, hồ sơ dự án phải trình lên UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét. Nếu dự án đã có Quyết định đầu tư, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã nộp đủ ngân sách, thực hiện xong những nghĩa vụ nhất định từ quá trình đầu tư, lên phương án thiết kế, quy hoạch... và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Ngoài ra, theo Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư chỉ được phép ký kết Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với khách hàng sau khi dự án đã hoàn thành xây xong móng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bán “chui” dự án chưa làm xong móng thông qua hình thức “đặc cọc giữ chỗ”, “phiếu đăng ký giữ chỗ", “hợp đồng huy động vốn”… là cách “lách” luật khá phổ biến, còn đẩy rủi ro và thiệt hại cho người mua nhà. Bởi nếu dự án không được triển khai, việc thu hồi lại số tiền nói trên của các khách hàng là rất khó khăn. |
Nguyễn Luận (T/h)