Thứ bảy, 20/06/2020 09:00 (GMT+7)
Những phát ngôn ấn tượng tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV
Theo dõi KTMT trên
“Cán bộ giàu nhanh từ đất, lụi tàn cũng vì đất”, “Bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”... là những phát ngôn ấn tượng tại Kỳ họp thứ 9.
|
Báo cáo về kết quả kinh tế-xã hội năm 2019 trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2019 chúng ta nỗ lực phấn đấu thành công và đạt được kết quả toàn diện, nổi bật nhất trong nhiều năm qua; đồng thời dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay. Đây là thành quả của cả quá trình trên 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là những năm gần đây. |
|
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 nhưng Quốc hội đã chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm trước Nhân dân. Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước. |
|
Thảo luận tại Hội trường chiều 15/6, Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhắc đến việc điều chỉnh các chính sách về đất đai và nêu thực tế xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất; có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt. |
|
Nhắc đến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khi thảo luận trên Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, giám sát để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”. |
|
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. “Thật kỳ diệu khi chúng ta đã chiến thắng dịch Covid-19 như chiến thắng Điện Biên Phủ”. |
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) cho biết Nghị quyết 88 trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định này nhưng cử tri phản ánh thực chất ở nhiều địa phương quyền lựa chọn sách giáo khoa không được tôn trọng và “dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng “chạy chọt” cửa sau”. |
|
Chia sẻ với đề xuất của Chính phủ về việc tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), cho rằng đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Theo bà, điều cần quan tâm là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí. |
|
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với kết quả chống dịch ở Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: Tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người; tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân và không có người chết. |
|
Cung cấp thông tin vụ án Hồ Duy Hải trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có 25 lời khai. Ở những thời điểm tố tụng quan trọng, Hải đều nhận tội. Kết thúc phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hải gửi đơn lên Chủ tịch nước cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan. |
|
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) đánh giá thời điểm sau dịch, cả nước cần ưu tiên cao việc khôi phục phát triển kinh tế, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài quan được “trải thảm đỏ”, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn vướng mắc bởi các thủ tục phức tạp, kéo dài. Ông đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp nước ngoài nhưng không bỏ quên doanh nghiệp trong nước và "dọn tổ cho đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ". |
|
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, các giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã phát huy tác dụng. "Không có lý do gì mà người Việt Nam không đi du lịch Việt Nam. Tôi kính mời nhân dân đi du lịch trong nước", ông nói. |
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề cập 3 giải pháp để bình ổn giá thịt lợn gồm: tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. |
|
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học điểm lại nhiều điều tốt đẹp ở Việt Nam được phát huy trong đại dịch, nhưng bên cạnh đó vẫn có người có suy nghĩ, việc làm lạc lõng, đi ngược lại với xu thế chung khi chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân. Do đó, "cái đúng, điều tốt cần phải được nâng niu, trân trọng và nhân rộng. Cái sai, điều trải cần phải được phát hiện, đấu tranh và nghiêm trị, nhất là hành vi vòi vĩnh, trục lợi, tham nhũng trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch". |