Thứ sáu, 08/11/2024 21:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/11/2023 14:45 (GMT+7)

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11

Theo dõi KTMT trên

Ngày 2/11, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 1

Giải trình trước Quốc hội tại chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 2/11 về giảm chi thường xuyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, phải giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm trong đầu tư, đầu tư không được để lãng phí, đầu tư là phải có hiệu quả, đầu tư không được để thất thoát.

“Còn chi thường xuyên, chúng tôi tính toán có những bộ ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm. Bây giờ bộ ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều.

Còn đại biểu nào muốn thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ chi tiết cho các đồng chí một số bộ, ngành để thấy rằng, chúng ta rất tiết kiệm trong vấn đề chi thường xuyên, chủ yếu là phục vụ cho con người, lương và phụ cấp lương là chính”, Bộ trưởng nói.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 2

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Đinh Minh Ngọc (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nêu rõ, dự kiến đến năm 2023, nước ta sẽ hoàn thành 5.000km đường cao tốc và nhiều dự án trọng điểm là kết quả đáng tự hào. Cùng với đó là thể chế cho đầu tư công nhất là về phân cấp, phân quyền dần được hoàn thiện. Những cơ chế này là tiền đề để đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn sau.

Dù vậy theo đại biểu, vẫn còn một số vấn đề lớn của nền kinh tế có liên quan đến đầu tư công, đó là tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, doanh nghiệp không đạt mục tiêu cả về chất lượng lẫn số lượng. Trong đó, về số lượng doanh nghiệp chỉ đạt 60% so với mục tiêu. Trong khi chất lượng như chuyên gia kinh tế từng nói, doanh nghiệp Việt Nam chịu khó, chịu khổ nhưng không chịu lớn.

Cũng theo đại biểu, những tồn tại trên có nhiều nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài nhưng trong đó có nguyên nhân từ đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt chưa đúng, chưa đủ.

Để tăng hiệu quả đầu tư công, kích hoạt nhanh và hiệu quả đầu tư góp phần bảo đảm tăng trưởng, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị, tăng bội chi để thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn ngay đến đầu chung của nền kinh tế như: sớm đầu tư dự án đường sắt Lào Cai, cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đây là những dự án đã có kế hoạch đầu tư cần được đẩy nhanh đầu tư sớm hơn, tiền đề cho xây dựng ngành công nghiệp đường sắt quốc gia. ĐB cũng đề nghị xây dựng ban hành nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 3

Nêu ý kiến về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, quy định về mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh, phân chia bậc lũy tiến... "có nội dung đã lạc hậu cả chục năm, bất cập rất lớn".

Theo ông Lâm, kết quả thu ngân sách đạt được trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kinh tế có lúc đình đốn là nỗ lực lớn. Song thực tế cho thấy, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh. Đơn cử như thuế TNCN với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế, phân chia bậc lũy tiến, mức giảm trừ gia cảnh... không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát.

Tương tự, thuế giá trị gia tăng (VAT) dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn. Ông Lâm dẫn chứng, năm 2022 thu 390.000 tỉ đồng, hoàn 150.000 tỉ đồng (chiếm 38%). Năm 2023 ước thu 365.000 tỉ đồng, hoàn 160.000 tỉ đồng (chiếm 44%).

"Quy trình thu phức tạp, tốn kém, nhiều khâu trung gian. Thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn nhưng kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách", ông Trần Văn Lâm nói.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 4

Trình tờ trình tóm tắt dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, lần sửa đổi này đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Dự thảo Luật bổ sung quy định, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.

Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 5

Báo cáo thẩm tra Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về các phương án này. Có ý kiến ủng hộ phương án 1, có ý kiến tán thành phương án 2 và cũng có loại ý kiến chưa đồng ý với cả hai phương án này.

Lý do là phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần. Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động, theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.

Theo Ủy ban Xã hội, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy bảo hiểm một lần (tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu) dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí.

Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đặc biệt là quy định về BHXH một lần.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các lựa chọn, làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11 - Ảnh 6

Đối với kiến nghị hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, hiện đã hoàn được khoảng 92%, đang giải quyết 534 hồ sơ tương ứng 9.154 tỷ nữa.

Ông nhắc lại, điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn giá trị gia tăng, có chứng từ chuyển tiền. Đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.

"Một số vướng mắc chúng tôi đã xác minh là cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại doanh nghiệp này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn thuế được", - Bộ trưởng Phớc nêu nguyên nhân và cho biết những việc này là bài học rất đau xót.

Dẫn lại vụ Thủ Đức House khi Cục Thuế TP.HCM có 18 người đi tù, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gọi đây là bài học đau xót.

Đối với xuất giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8%) với tất cả hàng hoá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách này thực hiện theo đúng Nghị quyết 43.

Trong đó, giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… Ngoài ra nếu giảm cho tất cả các loại hàng hoá cũng sẽ gây áp lực lên ngân sách.

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế:  Hải An

Bạn đang đọc bài viết Những phát biểu ấn tượng tại nghị trường Quốc hội ngày 2/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới