Những nhóm ngành nào được thí sinh "đổ" vào nhiều nhất trong tuyển sinh Đại học 2022?
Hiện tại, đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển của thí sinh đã hoàn tất, vậy đến thời điểm này những nhóm ngành nào thu hút nhiều nguyện vọng nhất? Cơ hội trúng tuyển của những nhóm ngành được thí sinh “đổ” vào nhiều nhất này ra sao?
Theo số liệu đăng ký xét tuyển từ nhiều trường cho thấy, ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành có nhiều thí sinh đăng ký vào các trường như: Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, Trường đại học Công nghiệp TP.HCM…
Phó Giáo Sư (PGS)- Tiến sĩ (TS) Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại Học Giao Thông Vận Tải TP.HCM chia sẻ: Năm nay, các ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất tại trường bao gồm: Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Khai thác vận tải, Kinh tế vận tải, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ kỹ thuật ô tô… Trong đó, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tiếp tục là ngành dẫn đầu danh sách, điểm chuẩn các ngành "Hot" có thể tăng so với năm ngoái.
Đặc biệt, ngành Kỹ thuật xây dựng ghi nhận số thí sinh đăng ký tăng vọt. Dù vậy, ngành này cũng tăng chỉ tiêu trong năm nay nên điểm chuẩn có thể không biến động nhiều.
Cũng theo chia sẻ của Ths.Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF): Trong năm 2022 trường tuyển sinh 35 ngành, hiện tại với các phương thức xét tuyển thì trường ghi nhận khoảng 30.000 nguyện vọng được đăng ký, con số này tương đồng với các năm trước. Những ngành được đăng ký nhiều nhất là quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, ngôn ngữ Nhật. Đây là những ngành mũi nhọn đào tạo của trường. Thí sinh cần lưu ý là ngành có số lượng đăng ký càng nhiều thì độ cạnh tranh càng cao. Bức tranh chung năm nay là các ngành xét tuyển bằng tổ hợp có môn văn, lịch sử thì điểm chuẩn sẽ cao hơn một chút.
Chia sẻ những liên quan về tuyển sinh đại học năm 2022, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, ngành công nghệ thông tin (chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật) là một trong những ngành được nhiều thí sinh đăng ký năm nay. Qua mỗi năm tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và điểm chuẩn đều tăng lên. Khi tốt nghiệp, sinh viên ngành học này đạt chuẩn đầu ra tiếng Nhật trình độ N3.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Minh Hà-Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM nhận định: Điểm chuẩn vào trường năm nay có thể cao hơn hoặc tương đương năm 2021 tùy ngành, các ngành được thí sinh “săn đón” nhất vẫn thuộc nhóm kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…
Có phải cứ học ngành "hot" sau ra trường là lương cao?
Theo Ths. Cao Quảng Tư-Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) cho hay: nhiều người cứ nghĩ ngành "hot" là ngành có lương cao, được doanh nghiệp săn đón, nhu cầu xã hội cao. Nhưng thực tế ngành đó có “hot” không còn dựa trên nhiều yếu tố khác. Có những bạn chọn ngành chưa gọi là "hot" nhưng giỏi, đóng góp được nhiều điều cho xã hội.
"Không phải cứ ngành "hot" thì người vào ngành đó cũng "hot" theo. Điều quan trọng nhất là con người. Bạn học cái đó rồi bạn có phù hợp với với ngành đó không có tạo ra được giá trị trong ngành không? Lương của ngành "hot" có cao hay không còn phụ thuộc vào trình độ của người học", ông Tư nói và dẫn chứng có những sinh viên xuất sắc học khoa học máy tính vừa đi học, vừa thực tập trong các phòng lab có lương tính bằng tiền đô.
Ths. Phạm Doãn Nguyên cũng khẳng định năng lực, thái độ, phẩm chất của bạn quyết định mức thu nhập bạn sẽ nhận được. "Không có ngành nào toàn người giàu, cũng như không có ngành nào toàn người nghèo. Trước khi thí sinh xác nhận vào học ở một ngôi trường, tôi muốn nhấn mạnh rằng nhóm ngành nào càng nhiều người chọn thì việc cạnh tranh khi đi học, đi làm đều càng cao. Dù bạn trúng tuyển vào ngành nghề chưa "hot" bây giờ nhưng bạn cứ học cho giỏi, để trở thành con người "hot" trong ngành nghề ấy"-ông Nguyên nói.
Đồng quan điểm với ông Nguyên, thầy Vũ Quang Huy cho rằng: Thà giỏi, xuất sắc trong nghề bình thường còn hơn bình thường trong những nghề được cho là "hot". Thí sinh nên chọn ngành phù hợp với năng lực và sở trường của mình.
Các mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý
Từ ngày 10/9, Bộ GD&ĐT đã tiến hành lọc ảo toàn quốc. Đến 14h ngày 10/9, Bộ GD&ĐT trả kết quả xử lý nguyện vọng lần 1, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần 1. Việc lọc ảo được Bộ thực hiện 6 lần.
Từ ngày 11/9 đến 15/9, sẽ có thêm 5 lần xử lý nguyện vọng tương tự với quy trình mỗi ngày giống như lần 1.
Trước 17h ngày 17/9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT quy định, các thí sinh phải đăng ký tất cả nguyện vọng ở các phương thức xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh chung để lọc ảo.
Sau ngày 30/9, các thí sinh nên theo dõi kỹ website của các trường, nếu mình không trúng tuyển thì xem các trường có xét tuyển bổ sung không. Các thí sinh cũng nên chịu khó đọc những tin tức để nắm nhiều thông tin quan trọng.
Quỳnh Diễm