Những lễ hội độc đáo không thể bỏ qua trong tháng Giêng
Mùa xuân, thời điểm bắt đầu của năm mới cũng là lúc diễn ra nhiều lễ hội lớn trải dài từ Bắc đến Nam.
Mùa xuân, thời điểm bắt đầu của năm mới cũng là lúc nhiều lễ hội lớn trải dài từ bắc đến nam diễn ra. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo lâu đời không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Dưới đây là những lễ hội đặc sắc, độc đáo không thể bỏ qua trong tháng Giêng.
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh
Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo, những "ông pháo" dài 5-6m có sơn son thiếp vàng. |
Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây được coi là lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm mới, thường khai hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc.
Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo, những "ông pháo" dài 5-6m có sơn son thiếp vàng, gắn tứ linh được vài trăm trai tráng rước qua các trục đường chính của làng Đồng Kỵ.
Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh, mùng 4 tháng Giêng
Hội xuân núi Bà Đen khai mạc ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh). |
Điểm ấn tượng nhất khi tới lễ hội đền Bà Đen là văn hóa mộ đạo, không đặt nặng vấn đề cúng tiền. Du khách có thể lưu lại chùa một hai ngày, thưởng thức cơm chay, rồi tha thẩn lên đỉnh núi ở độ cao 380m nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.
Lễ hội gò Đống Đa, Hà Nội
Lễ hội gò Đống Đa tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung, người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. |
Diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 Tết, đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội, để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung, người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: Múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà… trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.
Tại quê hương của Quang Trung – Nguyễn Huệ, lễ hội cũng được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Ngoài nghi thức truyền thống, ngày hội còn có những hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, đua thuyền, hát tuồng, tái diễn các trận đánh lịch sử như ngày vua Quang Trung ra trận…
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn
Nghi lễ rước chân nhang. |
Diễn ra trong khoảng mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền kể từ năm 2009.
Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn): Khai hội mùng 6 âm lịch
Lễ rước ngựa sắt của người dân thôn Phù Mã, xã Phù Linh. (Ảnh: TTXVN) |
Lễ hội Gióng ở đền Sóc được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 8 âm lịch. Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân.
Lễ hội chùa Hương, Hà Nội
Du khách nườm nượp đổ về chùa Hương ngày khai hội. |
Lễ hội Chùa Hương thường được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc, thể hiện qua sự quá tải về lượng Phật tử tham gia hành hương.
Không chỉ là danh thắng nổi tiếng với phong cảnh hữu tình từ non nước mênh mông của suối Yến tới chảnh sắc hùng vỹ của động Hương Tích, chùa Hương còn tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng, trở thành quần thể thắng cảnh rộng lớn, một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên. Đã từ lâu, nơi này trở thành Di tích quốc gia, đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng đạo Phật của người Việt từ xa xưa tới nay.
Hội Xoan (Phú Thọ), khai hội mùng 7 âm lịch
Hội Xoan diễn ra tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ từ ngày mùng 7 đến mùng 10 âm lịch. Đây là lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Người ta tổ chức hát xoan không chỉ để vui chơi, chúc tụng các vua Hùng mà còn để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn…
Hội chợ Viềng, đêm mùng 7 tháng Giêng
Hội chợ Viềng diễn ra tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chợ họp từ đêm mùng 7 cho đến hết mùng 8 tháng giêng.
Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên, bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ, từ hoa cây cảnh đến cuốc, xẻng và cả những những bộ tế khí, lư hương đồng… Với quan niệm đi chợ Viềng “mua may, bán rủi”, người bán kẻ mua đều vui vẻ, người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả.
Lễ hội Lồng Tồng, Tuyên Quang
Lễ hội Lồng Tông bản Cuống ở xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), mở màn cho hàng loạt lễ hội tung còn của người Tày ở tỉnh miền núi này. |
Lễ hội Lồng Tồng là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trong ngày này, nhà nào cũng chuẩn bị các vật phẩm làm ra từ nông nghiệp để dâng lên các vị thần linh, như bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc, xôi ngũ sắc. Ngoài phần lễ, phần hội gắn liền với các trò chơi dân gian luôn được đồng bào và du khách đón đợi như ném còn, đi cà kheo, múa rối, chọi gà, đánh đu, múa võ, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ và hát then.
Lễ hội xuân Yên Tử, mùng 10 tháng Giêng
Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch. Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương.
Chùa Yên Tử nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp hữu tình, còn là nơi hình thành nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đây là một trong những lễ hội Xuân lớn của cả nước, kéo dài trong 3 tháng đầu năm. |
Yên Tử đã trải qua hơn 1000 năm lịch sử với nhiều công trình kiến trúc đa dạng từ chùa tháp, những di vật cổ quý có giá trị còn được lưu giữ. Nơi này trở thành bảo tàng kiến trúc văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Bởi vậy, lễ hội xuân Yên Tử hàng năm mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện nét đẹp hòa quyện giữa lịch sử và thiên nhiên.
Hội Lim, Bắc Ninh
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào 8h sáng ngày chính hội 13 tháng Giêng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Hội thi hát được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.
Xung quanh khu vực hội chính là các địa điểm biểu diễn hát quan họ trên thuyền rồng. |
Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả hội Lim.
Hội cầu ngư, Huế
Cứ 3 năm một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, tới ngày 12 tháng Giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư lớn nhất của Huế lại được dân chài ở Thái Dương Hạ, Thuận An, thành phố Huế, tổ chức.
Ngày hội là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Trương Quý Công - người làm nghề chài lưới, đánh bắt rồi truyền dạy lại cho các thế hệ sau đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công đức của Ngài và cầu mưa thuận gió hòa, ngày hội diễn ra vào đúng ngày mất của ông - 12 tháng Giêng âm lịch.
Khai ấn Đền Trần – Nam Định, 13 tháng Giêng
Lễ hội ở đền Trần diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Sau lễ khai ấn sẽ tới những nghi thức quan trọng như rước nước, tế cá. Ngày hội còn tổ chức xen kẽ nhiều hoạt động truyền thống như hát chèo, mùa rồng, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật…
Lễ đền miếu Bà Chúa Xứ, An Giang
Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội lớn nhất miền tây nam bộ, cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với Bà Chúa Xứ. Ngày hội tổ chức từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mỗi ngăm, ngày hội thu hút trên 2 triệu lượt khách về hành hương.
Tượng Bà Chúa Xứ núi Sam. |
Đến với Hội Bà Chúa Xứ, du khách thập phương thường dâng hương cầu xin tài lộc và du ngoạn thắng cảnh núi Sam.
Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Bên cạnh các nghi lễ còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được biểu diễn như múa mâm thao, múa đĩa chén, múa lân…
Kỳ Lan