Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục; Người lao động ngành bảo hiểm được tăng 80% lương; Doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với NHNN... là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 11/2022.
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục
Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022. Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.
Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Người lao động ngành bảo hiểm được tăng 80% lương
Kể từ ngày 10/11/2022, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024 sẽ được thực hiện theo quy định tại Quyết định 19/2022/QĐ-TTg.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mức chi tiền lương đối với một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong ngành bảo hiểm sẽ cao gấp 1,8 lần mức chi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức thông thường.
Theo đó, có 3 nhóm đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 80% tiền lương:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
(2) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
(3) Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Lưu ý: Phần tiền lương tăng thêm 0,8 lần này không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Đồng thời số tiền này cũng không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Chế độ tiền lương này sẽ được áp dụng đến khi Chính phủ thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài phải đăng ký với NHNN
Cũng trong tháng 11 tới, cụ thể là ngày 15/11/2022, Thông tư 12/2022/TT-NHNN hướng dẫn về hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài mà không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay sau:
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên (trừ khi bên vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm 01 năm nêu trên).
Doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh sẽ thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả trên Trang điện tử: www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.
Cán bộ không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi giữ chức vụ
Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, quy định 11 trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ.
Thông tư cũng quy định, thời hạn bị cấm thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã đối với lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về tài sản công là đủ 12 tháng và các lĩnh vực còn lại đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Quy định mới về bồi thường, cưỡng chế thu hồi đất
Thông tư 61/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/11/2022, quy định dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp trên mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm thì mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra, dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm có mức kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí tổ chức cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.
Đối với kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án, tiểu dự án phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì mức kinh phí tổ chức cưỡng chế thu hồi đất được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nghị định 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm:
Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 28 đơn vị.
Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11
Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi khoản 2 và 3 Điều 10. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Đơn vị truyền tải điện xây dựng giá truyền tải điện hàng năm theo quy định tại Thông tư này.
Lan Anh