Thứ bảy, 20/04/2024 00:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/07/2019 14:34 (GMT+7)

Những bài học đắt giá nhìn từ vụ cháy rừng Hồng Lĩnh

Theo dõi KTMT trên

Trong 4 ngày (từ 28/6 đến 1/7), “giặc lửa” đã thiêu rụi 65ha rừng phòng hộ núi Hồng Lĩnh (xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chủ yếu là rừng thông. Lửa đã tắt, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo…

Trong 65ha rừng vừa bị cháy rụi, rừng thông chiếm phần lớn. Thông là loại cây nhiều nhựa, chỉ cần một tàn lửa là cả cánh rừng bùng cháy. Trong khi đó lớp thực bì phủ kín không được thu dọn thường xuyên, đường băng cản lửa hoàn toàn bị che phủ, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình chữa cháy. Thực tế, khu vực này hiện thông vẫn trồng rất nhiều, về lâu dài nơi đây sẽ còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng.

Rừng thông dễ cháy, khó dập

Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh sau những ngày “giặc lửa” kinh hoàng, trên các sườn núi, hốc núi những dãy rừng thông bị lửa thiêu cháy nham nhở, khô héo trải dài nhiều kilômét. Mặc dù sau vụ cháy rừng có mưa lớn, nhưng hiện nay thời tiết đã nắng nóng trở lại nên nguy cơ số lượng cây chết sẽ rất nhiều.

Theo người dân xã Xuân Hồng, rừng thông phòng hộ ở núi Hồng Lĩnh đã được trồng cách đây trên 40 năm, hiện thuộc quản lý của Nhà nước. Phía dưới rừng thông, gần nhà dân, họ còn trồng thêm một số cây keo, cây bạch đàn. Trước đây, khi còn dùng bếp củi, người dân thường lên rừng để cào lá, cành củi thông khô đem về sử dụng nên dưới gốc các cây thông rất sạch sẽ. Hiện nay, người dân sử dụng bếp gas, bếp điện... nên không còn ai lên đây lấy lá, cành thông về dùng nữa. Do đó, rừng thông ngày càng rậm rạp, các lớp thực bì lá, cành củi thông khô rụng xuống gốc phủ dày đặc bình quân 30 - 40cm. Ngoài ra, rừng ở vị trí núi cao, dốc dựng đứng, hiểm trở và không có đường lên. Các đường băng cản lửa cũng bị thực bì bao phủ nên rất dễ bén lửa, không còn tác dụng.

Những bài học đắt giá nhìn từ vụ cháy rừng Hồng Lĩnh - Ảnh 1
65ha rừng bị "giặc lửa" thiêu rụi chủ yếu là rừng thông

Theo ông Nguyễn Công Tố - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, đặc trưng của dãy núi Hồng Lĩnh là núi đá pha lẫn đất, trong đó đá là chủ yếu. Khí hậu vùng này rất khắc nghiệt, mùa nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, gió lào nhiệt độ cao. Về mặt lâm học thì khu vực này chỉ phù hợp với điều kiện phát triển, sinh trưởng của cây lá kim như thông, phi lao, tùng, bách... Trước đây, người dân và chủ rừng đã nhiều lần thử nghiệm trồng loại cây khác nhưng đều thất bại vì khi có gió, bão lớn là cây bị gãy đổ và sinh trưởng, phát triển chậm. Cuối cùng, chỉ có cây thông là chịu được khí hậu và phát triển tốt trên núi Hồng Lĩnh.

Ông Tố cũng cho biết thêm, về lâu dài các nhà lâm học cũng sẽ nghiên cứu để tìm những cây khác phù hợp với khí hậu cực đoan ở đây, vừa chịu hạn, nóng, gió bão và hạn chế nguy cơ cháy, như cây thông.

Bài học đắt giá sau cháy rừng

Sau vụ cháy rừng Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Hồng Khoan - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hồng - nghiêm túc đánh giá: "Phải luôn xử lý sạch các lớp thực bì khô, cải tạo, phát đường băng rộng vừa để cản lửa vừa làm đường để lên ứng cứu rừng thông khi xảy ra sự cố cháy… Làm được như vậy thì nguy cơ cháy rừng sẽ giảm hẳn". Tuy nhiên, ông Khoan cũng thừa nhận, vấn đề này cũng khá nan giải vì phải đòi hỏi nguồn kinh phí và công sức bỏ ra quá lớn, trong khi khả năng của đơn vị quản lý rừng là không đáp ứng được.

Đồng ý kiến, ông Lê Văn Minh - Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An - kiến nghị các cấp có phương hướng phân bổ thêm kinh phí để mua sắm thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy cho địa phương bởi hiện nay trang thiết bị phòng cháy chữa cháy rất thô sơ, thiếu, chưa đáp ứng được khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ đề nghị ngành nông nghiệp cần nghiên cứu trồng các loại cây khác phù hợp.

Đại diện chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, ông Nguyễn Công Tố phân tích thêm: "Rừng thông ở núi Hồng Lĩnh là loại thông lấy nhựa, dễ cháy và cháy mạnh hơn so với thông lấy gỗ. Hệ thống đường băng cản lửa nhỏ, giữa đường băng vẫn có lá khô. Thực bì phủ dưới gốc cây thông ngày càng nhiều, trong khi đó nguồn kinh phí bố trí để dọn thực bì cả hàng ngàn hécta rừng thì chủ rừng không có. Ngoài ra, tại khu vực này diện tích rừng quá lớn, địa hình phức tạp, xen lẫn vào đó là nhà dân, khu tâm linh, du lịch… trong khi lực lượng bảo vệ rừng lại quá mỏng nên việc quản lý bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn.

Sắp tới, chi cục sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống để bổ sung các đường băng chặn lửa: khoanh vùng, phân vùng, đảm bảo an toàn khi cắt vùng nếu có hỏa hoạn. Bên cạnh đó, rà soát các công trình phòng cháy cũng như nguồn kinh phí dọn thực bì và trồng xen kẽ một số cây bản địa, như lát, keo… để đa dạng hóa và phòng cháy cho rừng thông".

Miền Trung nắng nóng trở lại cảnh báo cháy rừng cực cao

Ngày 5 và 6-7, các tỉnh Bắc miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Nghệ An nắng nóng đã quay trở lại cùng với gió Lào cấp 8 thổi mạnh khiến thời tiết oi bức, hanh khô dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao.

Các lâm trường, chủ rừng phòng hộ, di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… được báo động phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ vì nhiệt độ quá cao. Theo Trung tâm dự báo thời tiết các tỉnh Bắc Trung bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng từ 3 - 4 ngày, nền nhiệt phổ biến 35°C - 37°C có nơi trên 38°C và 40°C.

Trần Giang (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những bài học đắt giá nhìn từ vụ cháy rừng Hồng Lĩnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới