'Nhức nhối' rác đêm
Từ lâu, những quán ăn, hàng rong… bán đêm được xem như một phần “mưu sinh” của nhiều người dân sống ở Thủ đô. Cũng từ đó, hình ảnh một Hà Nội ngập trong biển rác ở nhiều “tuyến phố ăn đêm” cũng trở nên quen thuộc…
Thói quen khó sửa
11 giờ đêm, chúng tôi có mặt ở tuyến phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) – một trong những điểm nóng tập trung nhiều hàng quán bán đồ ăn đêm. Dưới ánh đèn đường, vài hàng quán chưa vội đóng cửa, những quán ăn vỉa hè vẫn nhộn nhịp như chưa có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Dọc theo tuyến Trần Khát Chân qua phố Lò Đúc, khung cảnh cũng náo nhiệt không kém.
Nhưng gây “ấn tượng” với , chúng tôi là một góc Hà Nội “đầy rác” ngay cả dưới trời đêm. Trong chuyến khảo sát, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người ăn cứ vô tư xả rác, người bán nghiễm nhiên không dọn hoặc dọn dẹp qua loa. Cũng vì thế giấy ăn các loại nằm la liệt trên vỉa hè nhiều tuyến phố, rác không phân loại bỏ lẫn với nhau vứt khắp nơi từ vỉa hè, dưới lòng đường, gốc cây hay cột điện…
Vấn nạn xả rác đêm không chỉ ở một vài điểm mà xuất hiện rộng khắp các quận nội thành Hà Nội. Theo ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Giám đốc HTX Thành Công, bán hàng ăn đêm có 3 loại, có những cửa hàng gần mặt đường lợi dụng khi không có công an để đưa ra cả mặt đường, vỉa hè bán cả đêm; những nhà hàng lớn họ chỉ bán trong khuôn viên. Loại thứ 3 là các gánh hàng bán tự do trước những chung cư như ở Trung Hòa – Nhân Chính, người ta sử dụng lối gần cầu thang, sau khu chung cư bán “xuyên đêm” đến gần sáng và không quan tâm đến rác xả ra đường.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huy (phố Bạch Mai) cho hay, tình trạng hàng quán xả rác đã diễn ra từ hàng chục năm nay, cứ tối đến là túi rác lớn bé đều tràn lan ra vỉa hè, lòng đường. Nhiều khách hàng thiếu ý thức dù chủ quán đã để sẵn một thùng rác nhỏ dưới bàn ăn nhưng vẫn xả ra ngoài. Chủ quán lại ngại không nhắc nhở, nên tình trạng xả rác bừa bãi cứ thế diễn ra ở các quán ăn đêm vỉa hè.
“Nguyên nhân của những việc làm nói trên đều do người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường và nơi mình sinh sống, thói quen vứt rác bừa bãi đã ăn sâu vào thói quen của mỗi người”, ông Huy phân trần.
Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thông thường 23 giờ lực lượng chức năng đi “rà soát”, khi ấy các gánh hàng tránh di chuyển vào bán trong ngõ, khoảng 4 giờ sáng lại ra ngoài bán vỉa hè bình thường. Bởi vậy, tình trạng vứt rác bừa bãi cứ thế tiếp diễn.
24 giờ… dọn rác
Tình trạng hàng quán bán xuyên đêm không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn khiến cho công tác thu gom rác của những đơn vị thu gom vận chuyển rác gặp muôn vàn khó khăn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh Hai Bà Trưng (URENCO 3) cho biết, các cửa hàng bán “thâu đêm, suốt sáng” gây rào cản lớn cho công tác vệ sinh môi trường.
Theo ông Dũng, hiện nay chi nhánh đang bố trí công nhân vệ sinh môi trường làm 3 ca, gần như khép kín cả ngày đêm. Trong đó, ca một công nhân làm từ 5h đến 13h30; ca hai từ sau 13h30 đến 21h30 và ca ba từ sau 21h30 đến 2h sáng hôm sau. Thậm chí, sau 2h sáng, chi nhánh cũng bố trí lực lượng quét hút toàn bộ tuyến phố và một số tuyến ngõ rộng xe quét hút đi vào được.
“Mặc dù, công nhân vệ sinh môi trường của URENCO 3 duy trì thu gom, quét đường, dọn rác kết thúc ca 3 vào 2h sáng; nhưng thực tế sau thời gian đó các hàng quán vẫn bán khuya nên khoảng 5h công nhân ca sáng đã phải đi thu nhặt rác từ các hàng quán này xả ra, đảm bảo để người dân đi tập thể dục, đi làm đường phố luôn sạch sẽ”, ông Dũng nói.
Rác xả ngay xuống lòng đường, vỉa hè. |
Bên cạnh khó khăn trong sắp xếp lực lượng, việc các quán hàng bán trong ngõ cũng gây không ít trở ngại cho công nhận vệ sinh khi làm việc. Bởi theo quy trình thì lực lượng ca ngày không thu gom rác ngõ; song để đảm bảo đường phố ngõ ngách sạch sẽ vẫn phải thu gom.
Chưa kể, dù đã có quy định thời gian đem rác ra vứt nhưng chủ hàng quán và người dân đều không chấp hành. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng – Tổ trưởng Tổ môi trường số 5, địa bàn phường Bạch Mai – Cầu Dệt bày tỏ: “Hàng quán vứt rác bất kể giờ giấc, khiến cho những công nhân vệ sinh môi trường vất vả hơn. Bình thường thu gom một vòng là xong, bây giờ chúng tôi phải di chuyển nhiều vòng, nhiều lượt để thu gom rác”.
Giơ cao đánh khẽ?
Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 /2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều 20 Nghị định này quy định chi tiết về mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm khi xả rác không đúng giờ, không đúng nơi qui định. Ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng, dù Chính phủ đã có quy định nhưng chúng ta vẫn đang nặng về tuyên truyền, giáo dục chứ chưa xử phạt nhiều.
Về vấn đề này, ông Lê Thành Minh – Chủ tịch UBND phường Bạch Mai cho biết, hàng ngày, phường đều bố trí lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông dọc phố Bạch Mai và các ngõ. Khi có lực lượng đi kiểm tra thì các hộ kinh doanh đóng cửa, tắt đèn như đúng quy định, nhưng khi lực lượng rút quân, các hộ lại bày đồ ra vỉa hè bán.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Anh – Phó phòng Quản lý Đô thị quận Hai Bà Trưng, đa số các hàng quán bán đêm chủ yếu bán trong nhà nên việc xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ chưa nhiều. Các lực lượng chức năng trên địa bàn quận chủ yếu xử lý các hàng quán bán đêm về công tác trật tự đô thị và vận dụng theo Điều 6 Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Vi phạm quy định về đảm bảo sự yên tĩnh chung” với mức xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng nên không có sức răn đe.
Cần sự chung tay vào cuộc
Để “dẹp bỏ” hoàn toàn các trường hợp hàng quán bán đêm xả rác không phải là công việc dễ dàng. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, người dân và đơn vị thu gom, vận chuyển rác.
Theo Phó giám đốc URENCO 3 Nguyễn Đức Dũng, chính quyền cần phải thực sự vào cuộc, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tiếp đến, người dân cần nâng cao ý thức trong vấn đề vệ sinh môi trường. Cuối cùng là trách nhiệm của Urenco. Cả ba đều phải phối hợp chặt chẽ, không thể thiếu một trong ba bộ phận này.
“Đã đến lúc chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ quán và người dân trong việc giữ vệ sinh môi trường tại các quán ăn trên toàn địa bàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, các quận, phường cần hiện thực hóa chế tài xử phạt, lần đầu có thể cảnh cáo, phạt hành chính; sau đó cấm không được hành nghề nếu không chấp hành đúng quy định. Việc làm này phải thực sự cương quyết và liên tục. Đồng thời, các đơn vị thu gom cũng cần tham gia phối hợp thường xuyên, liên tục với chính quyền trong công tác này.