Thứ sáu, 22/11/2024 17:38 (GMT+7)
Thứ ba, 14/12/2021 15:00 (GMT+7)

Nhìn lại, suy ngẫm về ĐTM - lý thuyết và áp dụng ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Phải có nghiên cứu, đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn áp dụng, có sự so sánh, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để nâng cao hiệu quả của công tác ĐTM cả ở lĩnh vực quản lý, thực hiện ĐTM tại Việt Nam.

Sự ra đời của và phát triển của Đánh giá tác động môi trường (ĐTM/ĐGTĐMT) như là công cụ quản lý môi trường đối với các dự án phát triển đã được trình bày khá rõ nét trong [1], theo đó: “Việc xác định  thời điểm ra đời của công tác ĐGTĐMT không phải dễ dàng. Bởi vì, nếu xét về tính chất công việc thì hình như ĐGTĐMT đã có từ rất lâu. Song, nếu xét thời gian mà công việc này được gọi tên, được thừa nhận thì còn rất mới mẻ. Người ta thường lấy năm 1969 - năm thông qua Đạo Luật Chính sách Môi trường của Hoa Kỳ làm thời điểm ra đời của ĐGTĐMT. TrongĐạo Luật này có những điều qui định yêu cầu phải tiến hành ĐGTĐMT của các hoạt động lớn, quan trọng có thể gây tác động đáng kể tới môi trường”. Như vậy, để công tác ĐTM được thực hiện tốt thì phải có các điều kiện tiên quyết, đó là:

* Các cơ sở pháp lý qua các văn bản pháp luật quy định.

Các cơ sở khoa học có liên quan.

* Có quá trình đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực đủ khả năng thực hiện ĐTM.

Để đưa được công tác ĐTM vào thực hiện ở Việt Nam, đã có quá trình tiếp cận, nghiên cứu lý thuyết, thử nghiệm thực tế và soạn thảo các văn bản pháp luật có liên quan. Và đến năm 1993-1994, khi Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) lần đầu tên được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 và Chủ tịch nước ra quyết định công bố số 29 L/CTN ngày 10/01/1994 thì ĐTM đã được chính thức thực hiện ở Việt Nam. Công tác này đã được tiếp tục quy định trong các Luật BVMT sau đó và được thực hiện liên tục cho đến ngày nay.

Tôi cũng là người được tiếp cận với ĐTM khá sớm, từ năm 1990-1991 đã được học trong khóa học Quản lý môi trường cho các nước đang phát triển của UNEP-UNESCO tại Đại học Kỹ thuật Dresden, CHLB Đức. Từ năm 1990 đến 1995 tôi được tham dự các khóa học ngắn hạn do chuyên gia trong và ngoài nước giảng về ĐTM mở tại Việt Nam, được tham gia đề tài cấp nhà nước mang mã số KT 02 - 16 do GS Lê Thạc Cán chủ trì, tham gia thực hiện một số báo cáo ĐTM “mẫu” mang tính thử nghiệm như báo cáo ĐTM Nhà máy giấy Bãi Bằng; Công trình thủy lợi Thạch Nham, Quảng Ngãi; Nhà máy xi măng Chinfon, Hải Phòng,... Đến năm 1995, khi Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội được thành lập, tôi được phân công soạn giảng môn ĐTM cho sinh viên và học viên cao học. Tôi cũng đã được đi thực tập hai tháng tại Đại học Tự do, Vương quốc Bỉ để học hỏi thêm phục vụ viết giáo trình ĐTM và đến năm 2000, GS. Phạm Ngọc Hồ và tôi đã hoàn thành giáo trình này và được NXB ĐHQG Hà Nội in lần đầu và tái bản một số lần ở các năm sau đó. Giáo trình này cũng đã được đưa lên mạng để phổ biến rộng rãi hơn, phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu về lý thuyết ĐTM và khả năng áp dụng ở Việt Nam.

Nhìn lại, suy ngẫm về ĐTM - lý thuyết và áp dụng ở Việt Nam - Ảnh 1

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tính đến nay (2021) tôi đã có gần 25 năm giảng dạy về ĐTM, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) cho sinh viên và học viên cao học và vẫn theo nội dung cuốn giáo trình trên. Về nguyên tắc, giáo trình đã được soạn dựa trên lý thuyết ĐTM kết hợp với những thực tế áp dụng, thực hiện ĐTM ở Việt Nam. Như vậy, phần lý thuyết ít thay đổi qua các lần tái bản còn phần thực tiễn thì phải luôn được cập nhật.

Khi xảy ra sự cố môi trường ở Công ty Formosa, Hà Tĩnh có liên quan đến báo cáo ĐTM tôi thật sự “giật mình”, tự hỏi liệu có nguyên nhân gì đó liên quan đến nội dung đã truyền đạt cho sinh viên và những kiến thức được viết trong giáo trình hay không. Tôi đã thu thập các tài liệu liên quan tới quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện ĐTM ở Việt Nam, tham khảo các tin bài trên các tạp chí, trang mạng, đọc và đối chiếu với những gì mình đã viết, đã làm để rút ra những điều còn hạn chế, cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục.

Về lý thuyết ĐTM, cuốn giáo trình đã chọn lựa và trình bày những kiến thức phổ quát nhất về ĐTM nên cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những tài liệu gần đây bằng tiếng Anh của nhiều tác giả nước ngoài vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi của lý thuyết ĐTM, có thay đổi chỉ là cập nhật những phương pháp, kỹ thuật, công nghệ mới nhất áp dụng trong thực hiện ĐTM đối với những lĩnh vực cụ thể. Một số kiến thức đề cập trong giáo trình đã được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật, được áp dụng để thực hiện lập báo cáo ĐTM cho rất nhiều dự án phát triển trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được áp dụng nên đôi khi vẫn còn hạn chế, thậm chí có sai phạm trong công tác này. Dưới đây xin chỉ ra một số vấn đề liên quan tới xác định đối tượng phải lập báo cáo ĐTM là ai và trách nhiệm của họ đến đâu trong cả quá trình thực hiện ĐTM.

Về đối tượng thực hiện/lập báo cáo ĐTM của một dự án phát triển, lý thuyết đã chỉ rõ, đó là chủ dự án. Trong giáo trình cũng đã phân tích tính hợp lý khi để chủ dự án thực hiện báo cáo ĐTM của chính dự án mà mình dự định thực hiện, liệu có khách quan không khi họ vừa là người gây tác động lại là người lập báo cáo chỉ ra những tác động môi trường do dự án mình gây nên, liệu họ có “giấu giếm”, bỏ qua nhiều tác động có hại hay không. Tôi còn nhớ trong nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Luật BVMT 2005, nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng hoài nghi tính khách quan khi để chủ dự án thực hiện lập báo cáo ĐTM, đề nghị thành lập cơ quan độc lập thực hiện ĐTM nhưng rồi, với sự tư vấn của nhiều chuyên gia nước ngoài, tham khảo nhiều tài liệu nên cuối cùng, Luật BVMT 2005 vẫn quy định trách nhiệm trên thuộc chủ dự án. Trong giáo trình được nêu, lý do, ưu điểm khi để chủ dự án thực hiện ĐTM đã được nêu bật, bao gồm:

“- Chủ dự án là người am hiểu các hoạt động dự án và khả năng tác động của dự án tới môi trường.

- Những kiến thức còn thiếu, họ có thể yêu cầu các tổ chức, cơ quan cụ thể giúp đỡ.

- Họ sẽ là người thực thi các biện pháp giảm thiểu, xử lý tác động môi trường nên các giải pháp đưa ra sẽ có tính khả thi cao.

- Họ có thể tối thiểu hóađược chi phí cho ĐGTĐMT khi ghép các hoạt động đánh giá cùng với các hoạt động sản xuất của họ.

- Tính khách quan của công tác ĐGTĐMT vẫn đảm bảo nếu có cơ chế nhận xét thẩm định thích  hợp” [1].

Vì vậy, khi xem xét trách nhiệm không hoàn thành hoặc chất lượng báo cáo ĐTM không tốt, để xảy ra sự cố như ở Công ty Formosa thì trách nhiệm lớn nhất phải là chủ dự án. Đáng tiếc là phần lớn dư luận khi đó tập trung vào sai lầm của những người thực hiện nào đó (cơ quan tư vấn lập ĐTM) và Hội đồng thẩm định ĐTM cùng nhiều cán bộ quản lý môi trường các cấp. Cho đến tận bây giờ vẫn còn nhận định những sai sót loại này khi đánh giá sai phạm trong sự cố Formosa chủ yếu do sai lầm của cơ chế quản lý và của các cơ quan quản lý. Không thể nói cơ quan quản lý, cán bộ quản lý không có khuyết điểm nhưng nhận định họ chịu trách nhiệm chính là không phù hợp. Nếu phân tích kỹ thì những sai sót trong vụ Formosa có thể xử lý hình sự theo quy định trong Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua theo văn bản số: 15/VBHN-VPQH ngày 23 tháng 7 năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 [2]. Chỉ cần căn cứ ngay điều đầu tiên trong nhóm các tội phạm về môi trường cũng có thể thấy khả năng áp dụng cho sai phạm của Công ty Formosa.

Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường

  1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác”.

Phải chăng vì Công ty không phải là “Người” cụ thể, đã xin lỗi và đền bù mức rất cao (500 triệu đô la Mỹ) nên không bị xử lý hình sự?.

Nhìn lại, suy ngẫm về ĐTM - lý thuyết và áp dụng ở Việt Nam - Ảnh 2
Sự cố môi trường ở Công ty Formosa năm 2016 đã khiến cá chết hàng loạt tại miền Trung.

Trong một số bài viết sau này có trích dẫn phát biểu của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT về nguyên nhân để xảy ra sự cố Formosa, chẳng hạn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: “Qua vụ việc Formosa, có thể thấy báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mang tính chất chung chung quá” hay “Đánh giá tác động môi trường hiện nay như hình thức để các doanh nghiệp được đầu tư. Cái này chúng tôi nhận thức sâu sắc nên đề nghị cho phép xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xem xét cấp giấy phép xây dựng. Khi đó dự án mới có thiết kế cơ sở, mới có căn cứ để đánh giá tác động môi trường” [3].

Mới đây nhất, một bài viết đăng trên trang Thanh niên online [4] ngày 04/09/2020 có dẫn nhiều ý kiến, đặc biệt nhấn mạnh ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về bất cập trong Luật BVMT về ĐTM như:  “Ở ta mới có ý tưởng thôi cũng đưa ra đánh giá tác động môi trường” và cho rằng cần coi đây là bước đầu tiên của đánh giá tác động môi trường chứ không nên coi là một thủ tục, rất nhiều dự án cấp tỉnh phê duyệt như Formosa, Lee&Man... nguồn thải rất lớn nhưng do quy mô đầu tư tư nhân nên Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội không phê duyệt (chủ trương đầu tư) và cũng không tính toán, đánh giá tác động môi trường sơ bộ. Như vậy, phải chăng ĐTM dự án Formosa chỉ là đánh giá dựa trên chủ trương đầu tư, nghĩa là chưa có luận chứng kỹ thuật?, điều này không đúng với lý thuyết về ĐTM.

Hoặc như một cựu cán bộ quản lý, chịu trách nhiệm ký thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM dự án Formosa cho rằng: “Đúng là ĐTM của dự án Formosa sơ sài nhưng lúc đó tất cả các ĐTM khác đều thế cả. Vì sao sơ sài? Lâu nay tôi vẫn lưu ý, tiếng Việt dịch là báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng thực ra đó là dự báo tác động môi trường. Đã là khoa học dự báo thì không bao giờ chính xác 100%” [5].

Điều này rất cần kiểm chứng lại, vì tôi biết có nhiều báo cáo ĐTM làm khá tốt, không thể đánh đồng như vậy được. Phải chăng, theo ý ông này thì nếu có gì đó xảy ra từ hoạt động dự án thì không thể quy trách nhiệm cho những người lập báo cáo ĐTM được vì họ chỉ “dự báo” thôi mà. Thật ra không phải vậy, chủ dự án Formosa hiểu rất rõ quy mô dự án họ sẽ thực hiện tại Hà Tĩnh, họ biết những loại chất thải gì sẽ được xảy ra và nếu không được xử lý thì sẽ gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, họ hiểu rất rõ về những gì đã xảy ra với dự án tương tự đã hoạt động trên thế giới nên nếu ai đó nói họ không có thông tin thì phải xem xét thêm, không có thông tin chắc là chỉ đúng đối với cán bộ quản lý thôi. Chủ dự án là người chịu trách nhiệm về những gì nêu trong báo cáo ĐTM vì họ đứng chủ thực hiện ĐTM, nếu trong báo cáo này có “dự báo” về sự cố có thể xảy ra thì chắc mọi người cũng không lạ. Còn khi sự cố đã xảy ra thì sẽ xem xét cụ thể hơn về nguyên nhân, nếu cơ sở xử lý chất thải chưa hoàn thành mà vẫn vận hành thì là hành vi cố tình còn vì lý do bất khả kháng nào đó thì lại là chuyện khác.

Ông này còn lý giải thêm: “Về thông tin dự án, luật khi ấy quy định, ĐTM làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư nên thông tin dự án lúc ấy rất sơ sài, chưa có thiết kế cơ sở, chưa rõ công nghệ, nguyên vật liệu đầu vào...[5]”. Có lẽ ông ấy dựa vào mục 20 của Điều 3 Giải thích từ ngữ, Luật BVMT năm 2005: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó” để phát biểu như vậy chăng. Tuy nhiên ông ấy đã quên mất cả một mục riêng, mục 2 của chương 3 của Luật này với 6 điều quy định rất cụ thể về ĐTM, đọc kỹ thì thấy ý của ông ấy không chấp nhận được.

Có lẽ vì những lý do nêu trên mà trong Luật BVMT được Quốc hội thông qua năm 2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 (sau đây gọi là Luật BVMT 2020) có quy định thêm về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 29 Luật BVMT 2020). Kết quả của đánh giá sơ bộ tác động môi trường không được nêu cụ thể, phải chăng cũng là một báo cáo riêng, báo cáo này có cần thẩm định như báo cáo ĐTM không vẫn đang chờ Nghị định hướng dẫn. Tham khảo bản Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2020 đang được trình Chính phủ ký ban hành thì có một điều gộp chung nhiều báo, cụ thể trong mục 16 Điều 3- Giải thích từ ngữ có ghi:

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là tên gọi chung cho báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ, báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”.

Trong lý thuyết về ĐTM, người ta chia quá trình đánh giá thành các bước như:

* Lược duyệt

* Xác định phạm vi

* Lập đề cương, tham khảo ý kiến và chuẩn bị tài liệu

* Phân tích, đánh giá tác động môi trường

* Xác định biện pháp giảm thiểu và quản lý tác động

* Lập báo cáo ĐTM

* Xem xét các phương án, dự án thay thế

* Tham khảo ý kiến cộng đồng

* Thẩm định báo cáo ĐTM

* Monitoring và kiểm toán môi trường khi thực hiện dự án

Theo đó, bước lược duyệt rất quan trọng vì nó phải trả lời câu hỏi là có cần/phải đánh giá ĐTM đầy đủ không và dẫn ra cách tiếp cận để trả lời câu hỏi này. Có nhiều cách, kỹ thuật, thậm chí phải tiến hành nhiều bước nhỏ để thực hiện lược duyệt, trong đó có việc thực hiện “Kiểm tra môi trường ban đầu” (Initial Environmental Examination -IEE) vẫn đang được thực thi ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Không biết  đánh giá tác động môi trường sơ bộ quy định trong Luật BVMT 2020 có phải cùng loại với IEE hay không nhưng thực hiện xong IEE thì có kết luận phải hay không phải đánh giá TĐMT đầy đủ và nếu như kết luận không phải thực hiện ĐTM đầy đủ thì báo cáo IEE sẽ được coi là báo cáo ĐTM đầy đủ. Việc các cán bộ quản lý nêu về bất cập kiểu chưa có quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ để biện hộ cho sai phạm ở Formosa chưa thật hợp lý, nhất là khi xảy ra sự cố là khi chạy thử một số hạng mục dự án. Chắc chắn lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Formosa quá hiểu về công nghệ họ sử dụng, các loại chất thải phát sinh và nếu không kiểm soát thì sẽ gây tác động nghiêm trọng. Việc coi một báo cáo sơ sài mang tính sơ bộ, ban đầu là báo cáo ĐTM đầy đủ của dự án là kiểu lách luật của chủ dự án và những người quản lý môi trường có thẩm quyền chấp nhận như vậy là không làm hết trách nhiệm được giao. Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ như thế nào, độc lập với cả quá trình ĐTM hay chỉ là một phần của ĐTM cần được quy định cụ thể.

Tôi là người tham gia nhiều đánh giá tác động môi trường nhưng chỉ ở mức thực hiện một phần cụ thể của cả quá trình ĐTM, hầu như chưa được mời làm chủ tư vấn ĐTM cho một dự án phát triển nào từ trước tới nay. Nhiều sinh viên đã học môn ĐTM ra trường đã từng chủ trì tư vấn lập nhiều báo cáo ĐTM có nói đùa với tôi là nếu thực hiện đúng như những gì thày dạy và thày viết thì kinh phí đánh giá ĐTM phải cao, mà chủ dự án chỉ cần báo cáo ĐTM được thẩm định để có giấy phép hoạt động (hóa ra là như vậy!).

Thế nhưng, tôi cũng thấy mình “may mắn” vì không phải chịu trách nhiệm khi mà có những sự cố như Formosa xảy ra. Tôi còn nhắc các bạn ấy phải rõ ràng trong hợp đồng làm tư vấn, chỉ dừng lại ở bước thẩm định, thông qua báo cáo ĐTM thôi và phải đánh giá được những rủi ro, sự cố có thể xảy ra khi thực hiện dự án. Bởi vì, nếu tôi không nhớ sai thì đã có đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi về trách nhiệm của chủ dự án, của chuyên gia tư vấn lập báo cáo ĐTM mắc sai sót, không dự báo được rủi ro, sự cố dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Tôi tra trong Luật BVMT 2020 [6] thì chỉ thấy:

Điều 38. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  2. Công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
  3. Xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu về đánh giá tác động môi trường vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia”.

Tra ngược lại, chúng tôi thấy Luật BVMT 2014 [7] có quy định rất rõ trách nhiệm của chủ dự án trong thực hiện ĐTM, cụ thể:

“Điều 19. Thực hiện đánh giá tác động môi trường

  1. Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường”.

Vậy, nếu Luật BVMT 2014 hết hiệu lực thì không rõ trách nhiệm của người thực hiện hoặc tư vấn thực hiện ĐTM đến đâu, họ phải chịu trách nhiệm như thế nào.

Một số vấn đề nêu trên chưa thể nói hết được về lý thuyết ĐTM và những gì Việt Nam đã áp dụng thực hiện trong điều kiện cụ thể của mình. Một số vấn đề rất cần được tiếp tục xem xét như huy động các nguồn lực, vai trò của các bên, các cơ quan và cộng đồng, phương pháp, đặc biệt là các phương pháp mới, hiện đại, áp dụng trong ĐTM hay vấn đề thu thập thông tin, vấn đề thẩm định ĐTM,... Phải có nghiên cứu, đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn áp dụng, có sự so sánh, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để nâng cao hiệu quả của công tác ĐTM cả ở lĩnh vực quản lý, thực hiện ĐTM.

Chắc chắn, đây là việc lớn, đòi hỏi nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các nhà quản lý và nhà khoa học vào cuộc, mở ra đề tài nghiên cứu, tổ chức hội thảo đánh giá, viết, đăng tải bài nhận xét, tổng kết về những gì đã làm, những kết quả nào đã đạt được và hạn chế, vướng mắc nào cần giải quyết. Tôi mong muốn có đánh giá chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT nói chung và quản lý ĐTM nói triêng đối với các vấn đề nêu trên. Riêng bản thân tôi cũng sẽ cố gắng tổng hợp tài liệu, tiếp tục viết bài để góp phần làm rõ hơn những vấn đề đó trong tương lai gần.

Mục tiêu đặt ra là: Hiểu đúng và thực hiện tốt ĐTM ở Việt Nam, bài viết này chỉ góp một phần rất nhỏ và còn nhiều hạn chế, mong được mọi người góp ý thêm.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hoàng Xuân Cơ, Phạm Ngọc Hồ, Đánh giá tác động môi trường, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, in lần thứ 5, 2009.

[2]. Luật Hình sự 2013

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Van-ban-hop-nhat-15-VBHN-VPQH-2013-Bo-luat-hinh-su-363282.aspx

[3]. https://tuoitre.vn/tu-vu-formosa-phai-thay-doi-trong-danh-gia-moi-truong-1139212.htm

[4]. https://thanhnien.vn/formosa-nguon-thai-lon-nhung-khong-danh-gia-tac-dong-moi-truong-so-bo-truoc-phe-duyet-dau-tu-post991036.html

[5].  https://soha.vn/danh-gia-tac-dong-moi-truong-cua-formosa-so-sai-nguoi-ky-phe-duyet-noi-gi-20160720113901928.htm

 [6]. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-huong-dan-Luat-Bao-ve-moi-truong-479457.aspx

[7]. Luật BVMT 2014

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Luat-bao-ve-moi-truong-2014-238636.aspx

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại, suy ngẫm về ĐTM - lý thuyết và áp dụng ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới