Thứ bảy, 27/04/2024 15:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/03/2024 09:09 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất doanh thu 150 triệu đồng phải nộp thuế VAT

Theo dõi KTMT trên

Trong dự thảo Luật Thuế Giá trị tăng (GTGT) sửa đổi, Bộ Tài chính đưa ra ngưỡng doanh thu phải nộp thuế GTGT của cá nhân, hộ kinh doanh ở mức 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên đề xuất đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng, tăng 50 triệu so với hiện hành. Mức 150 triệu đồng đã "căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế". Việc nâng mức giảm thuế lên cao hơn sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp. Cùng đó, Bộ Tài chính cho rằng ngưỡng chịu thuế cao hơn sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. 

Cần cân nhắc phân loại theo ngành nghề

Trong góp ý gửi về Bộ Tài chính, VCC cho rằng dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, mức này vẫn tương đối thấp, có thể gây khó khăn cho hộ

Cơ quan này cho rằng, hiện trong luật thuế thu nhập cá nhân, các cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc 132 triệu đồng/năm, nếu có một người phụ thuộc 184,8 triệu đồng/năm, nếu có hai người phụ thuộc 237,6 triệu đồng/năm.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất doanh thu 150 triệu đồng phải nộp thuế VAT - Ảnh 1
Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất doanh thu 150 triệu đồng mới phải nộp thuế VAT.

Theo VCCI thu nhập của người lao động có một người phụ thuộc, ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, người kinh doanh sẽ phải bỏ chi phí đầu vào cho sản xuất và các rủi ro khác nhau.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 - 200 triệu đồng/năm.

Cơ quan này cho rằng Bộ Tài chính cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự phương pháp tính thuế trực tiếp như ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng.

Đề xuất ngưỡng 180 triệu đến 240 triệu đồng

Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đề xuất ngưỡng 180 triệu đến 240 triệu đồng. Theo VTCA, Nghị định 07 cho biết mức chuẩn thu nhập với hộ nghèo ở nông thôn hiện là 1,5 triệu đồng/người/tháng, với thành phố là 2 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, người có thu nhập một năm 18 triệu đồng là "nghèo và cận nghèo".

Theo tính toán của VTCA, nếu dựa vào biểu thuế tính thuế giá trị gia tăng, giả sử với ngành nghề kinh doanh thương mại có tỷ lệ thuế là 10%, sẽ tính ra được con số thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Tức là, sau một quá trình kinh doanh thu về 100 triệu, phần giá trị tăng thêm là 10 triệu đồng. Với 150 triệu đồng, con số thu về là 15 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế và Kế toán Trọng Tín cũng cho rằng, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững thì Luật thuế GTGT nên chăng điều chỉnh mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT tối thiểu lên mức từ 180 - 240 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Được, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mức chuẩn nghèo thay đổi, vì vậy nếu quy định mức cứng “cố định” doanh thu là 150 triệu đồng như Dự thảo sẽ không đảm tính linh hoạt và không bám sát thực tế của đời sống xã hội dẫn đến chính sách nhanh bị lỗi thời và bất cập.

Hiện, theo quy định của Luật Thuế và các Nghị định của Chính phủ, hộ kinh doanh gia đình có doanh thu từ 100 triệu trở xuống/năm được miễn lệ phí môn bài, đối với hộ có doanh thu từ 100-300 triệu đồng/năm, phải nộp thuế môn bài 300.000 đồng, từ 300-500 triệu đồng/năm, sẽ phải nộp thuế 500.000 đồng và từ doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm, sẽ phải nộp thuế môn bài 1 triệu đồng/năm.

Đối với thuế VAT, theo quy định hiện hành, đối với hộ kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì bắt buộc phải đóng ba loại thuế, phí bao gồm: lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Còn đối với hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp các loại phí và thuế này.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất doanh thu 150 triệu đồng phải nộp thuế VAT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới