Thứ năm, 21/11/2024 19:51 (GMT+7)
Thứ tư, 08/11/2023 15:00 (GMT+7)

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11

Theo dõi KTMT trên

Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với một số lãnh đạo ngành. Trong phiên chất vấn, nhiều vấn đề nóng đã được ĐBQH đưa ra.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 1

Chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phản ánh, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc THCS. THCS là dấu mốc rất quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay khi kết thúc chương trình THCS, các em học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp, trong đó khi kết thúc giai đoạn THPT thì lại thi tốt nghiệp THPT.

"Xin bộ trưởng cho biết, có cần thay đổi lại theo hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT không?", bà Hạnh nêu chất vấn. 

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 2

Hồi đáp đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích, theo thiết kế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc THCS sẽ là giai đoạn giáo dục mang tính cơ bản, nền tảng, tích hợp nhằm trang bị kiến thức nền tảng, cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Tới chương trình THPT sẽ tăng cường yếu tố phân luồng, hướng nghiệp và tăng sự lựa chọn cho học sinh.

Theo ông Sơn, nếu trong 12 năm học phổ thông có quá nhiều kỳ thi, đó là câu chuyện rất nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh và bản thân ngành giáo dục cũng thấy cần giảm kỳ thi khi kết thúc bậc học THCS.

Trong khi đó, khi kết thúc giai đoạn THPT, để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông thì có một kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, điều này được ghi rõ trong luật Giáo dục 2019.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT mục đích và bản chất là tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, trong thực tế kỳ thi này còn dùng cho việc đánh giá kết quả học tập và cạnh đó cũng là căn cứ để một số trường đại học sử dụng cho việc tuyển sinh. Với một số mục đích như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức, tiếp tục tổ chức trong những năm tới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 3

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) về quy trình thẩm định phân loại phim, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, căn cứ điểm d khoản 2 Điều 18 của Luật Điện ảnh, bộ phim Đất rừng Phương Nam đã được Hội đồng thẩm định phim quốc gia tiến hành thẩm định và khẳng định bộ phim không vi phạm pháp luật về điện ảnh, vì vậy được cấp phép để phổ biến.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Bộ Văn hóa tôn trọng quyết định của Hội đồng. Trong trường hợp nếu phát hiện Hội đồng làm sai và vi phạm pháp luật thì lúc đó mới có các biện pháp để xử lý tiếp theo. Bộ Văn hóa cũng rất cẩn trọng trước những yêu cầu có tính chất tranh luận trên nền tảng của mạng xã hội và nhiều ý kiến đóng góp.

Bộ trưởng đã yêu cầu Hội đồng xem xét tiếp thu hợp lý những ý kiến mà dư luận phản ánh. Vì vậy, Hội đồng đã họp với có các cơ quan chủ quan để xem xét lại và khẳng định bộ phim vẫn đầy đủ các yếu tố để cấp phép hoạt động.

Do đó, Bộ Văn hóa đều tôn trọng theo nguyên tắc này. Và Hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác thẩm định phim.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, nếu có các biểu hiện bôi xấu, bôi nhọ thì phải được tiếp tục xử lý. Vì vậy, chúng ta đã có quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Luật An ninh mạng. Do đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa cho rằng, văn hóa ứng xử không chấp nhận thói bôi xấu, bôi nhọ, cần có văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 4

Làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi nói về về vấn đề phân cấp ủy quyền đã nhấn mạnh nếu giải quyết được việc phân cấp thì có thể giải quyết được cả vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

“Bí thư một tỉnh phía Bắc đã nắm tay tôi và cảm ơn, vì chúng tôi đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông. Đồng chí này nói là đã phải trình 24 thủ tục hành chính thì mới được giải quyết. Thực sự tôi cũng "rùng mình" với thông tin này", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn ví dụ và cho rằng, còn những vướng mắc nhất định như các quy định chuyên ngành; nhiều địa phương, nhiều cơ quan vẫn không muốn phân cấp vì lợi ích, sợ mất đi quyền lực.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 5

Gửi câu hỏi tới Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nhắc lại vụ việc cán bộ thanh tra Chính phủ bị khởi tố về tội nhận hối lộ trong vụ thanh tra dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng.

Tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết luận thanh tra của đoàn công tác vào năm 2020 về vụ việc liên quan đến dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng, thay đổi kết luận thanh tra từ chỗ "phải thu hồi dự án" sang "điều chỉnh dự án", "gia hạn cho nhà đầu tư".

Ông Vân đặt 2 câu hỏi: "Việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật không?" và "Với vai trò vừa là thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?".

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 6

Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết vụ việc thực chất là rà soát, bổ sung sửa đổi kết luận thanh tra chứ không phải là thanh tra lại.

Liên quan đến một số cán bộ thanh tra bị khởi tố, Tổng Thanh tra Chính phủ đã buộc thôi việc các công chức liên quan đến dự án. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chịu trách nhiệm trước các quy định của Đảng, Nhà nước.

Cho rằng câu trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ chưa đi vào trọng tâm câu hỏi của mình, đại biểu Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận. Ông đề nghị lãnh đạo ngành thanh tra trả lời vào thẳng câu hỏi là "có đúng luật hay không".

Về câu hỏi liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, ông Vân nói: "Tôi hỏi Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật thế nào là tôi muốn nói tính tự giác nhưng Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trả lời như vậy là không đúng. Trước Quốc hội, tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm của mình với hậu quả mà việc làm sai đó gây ra".

Trước phần tranh luận gay gắt của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết người ký quyết định thanh tra và rà soát kết quả thanh tra trong vụ Đại Ninh đều là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh. Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ cho chủ trương, thực hiện phân cấp phân quyền và phân trách nhiệm.

Nói về trách nhiệm cá nhân, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận ông có trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Tuy nhiên, vụ việc đang được các cơ quan điều tra, chưa kết thúc. Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ xác định trách nhiệm sau khi có kết quả điều tra vụ việc.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 7

Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau một năm, từ Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 với những giải pháp đưa ra, ngành thanh tra đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng tăng lên, dẫn đến thực trạng "Chân mình thì lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 8

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác rất trọng tâm của lực lượng công an triển khai trong thời gian qua. Về khâu xử lý đối tượng, có 2 tội danh chính: một là tội tham ô tài sản, ăn cắp tài sản nhà nước làm tài sản riêng; hai là đưa hối lộ, nhận hối lộ. Cho tới nay chưa bắt đối tượng nào liên quan mà không nhận tiền. Đâu đó có ý kiến "xử lý quá cán bộ sợ không dám làm" là không phải. Đây không phải là làm trái, lợi dụng trách nhiệm quyền hạn mà là nhận hối lộ. Việc xử lý, nhân dân rất đồng tình.

Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11 - Ảnh 9

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn ĐBQH TP. HCM), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua, quán triệt với chủ trương của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực và có những thành công bước đầu trong lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Trà, trong giai đoạn 2017 - 2021, đã giảm được 10,01% công chức, và 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trong số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ngành Giáo dục giảm 6,4%, còn lại toàn ngành Y tế giảm 32% do thúc đẩy được tự chủ, chuyển số biên chế đó sang hưởng lương tự chủ. Do đó, hai khái niệm này khác nhau.

“Tuy nhiên, thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương khi thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi. Cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành Giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo Bộ trưởng, riêng đối với ngành Giáo dục có tính đặc thù, nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn, đây là vấn đề thực tiễn.

Nhiều địa phương thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi. Cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp nhất là ngành giáo dục.

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế:  Hải An

Bạn đang đọc bài viết Nhiều vấn đề nóng được ĐBQH đưa ra tại phiên chất vấn ngày 7/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.