Thứ sáu, 22/11/2024 16:09 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 07:30 (GMT+7)

Nhiều lao động mất việc giai đoạn cận Tết

Theo dõi KTMT trên

Trái ngược với việc doanh nghiệp dồi dào đơn hàng dịp đầu năm nay thì trong các tháng cuối năm, nhiều ngành, nghề phải sa thải bớt lao động vì không có khách ký hợp đồng mới.

Thị trường "phanh gấp" khiến hàng loạt doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch, thu hẹp quy mô sản xuất. Trưởng bộ phận một doanh nghiệp may mặc ở Hải Dương cho biết, các nhà máy đã lập tức cho công nhân ngừng tăng ca, chỉ duy trì làm thêm ở bộ phận xuất nhập hàng. Số đơn hàng trong tháng 10 của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm ngoái, chủ yếu là của Uniqlo (Nhật Bản), Nike, Adidas (Mỹ). Doanh nghiệp duy trì 17.000 lao động so với 21.000 người như trước và không có nhu cầu tuyển thêm. Trong khi đó, tháng 9, họ còn lên kế hoạch mở thêm một nhà máy ở huyện Tứ Kỳ.

Nhiều lao động mất việc giai đoạn cận Tết - Ảnh 1
Người lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội tìm việc ở bảng tin hồi tháng 11/2022. Ảnh: VNExpress. 

Đại diện liên minh hỗ trợ công nghiệp (VISA) cho biết, các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp thuộc liên minh không có đơn hàng nào mới từ khách hàng EU. Muốn có đơn hàng mới thì doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, cần có tài chính.

Tuy nhiên, hiện tại, doanh nghiệp không thể vay tiền ngân hàng bằng hợp đồng mua bán nguyên phụ liệu; Không thể thế chấp nhà xưởng để đổi mới công nghệ do pháp luật hạn chế cho vay bằng bất động sản; Hạn mức tín dụng và lãi suất cao. Trong khi đó, giá vật liệu tăng, chi phí logistic EU cao.

Để ứng phó với tình trạng này, có doanh nghiệp trong ngành đã phải giảm lao động từ 100 người xuống còn 20 người. Đây là điều đáng tiếc vì ngành công nghiệp hỗ trợ cần thời gian dài mới đào tạo được công nhân. Cần có cách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để ổn định phát triển trước diễn biến trong nước và quốc tế.  

Số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, 472.000 công nhân đã bị ảnh hưởng, trong đó, 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Tình hình kinh tế khó khăn chung khiến việc cắt giảm lương, giờ làm không chỉ diễn ra với khối sản xuất.

Cuối tháng 11, một trong những nhà xây dựng hàng đầu có hơn 5.000 nhân viên đã điều chỉnh chế độ, chính sách khối phòng, ban công trường để đối phó với những khó khăn hiện tại. Đơn vị này giảm tỷ lệ hiệu suất công việc và các khoản phụ cấp theo lương 35% đối với ban giám đốc, ban giám đốc chức năng, giám đốc dự án cấp cao; 20% với phó giám đốc chức năng, giám đốc dự án, cấp trưởng phòng... Doanh nghiệp cũng tạm ngưng áp dụng một số chế độ phúc lợi, khen thưởng. Ở khối văn phòng, nhân viên đi làm 40 giờ một tuần, từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7 nghỉ không lương.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Nhiều lao động mất việc giai đoạn cận Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới