Nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam tiếp tục gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn. Chúng ta cần giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.
Ô nhiễm không khó có chiều hướng gia tăng
Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như: TP.Hà Nội, TP.HCM ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy: Chất lượng không khí (CLKK) tại TP.Hà Nội và một số thành phố khu vực miền Bắc có thời điểm trong năm ở mức kém, thậm chí là mức xấu, thường xuất hiện vào mùa đông.
Tại TP.HCM, vào mùa khô cũng ghi nhận CLKK chạm mức xấu. Đáng chú ý, CLKK có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm. Cụ thể, các đô thị ở miền Bắc có giá trị trung bình năm của thông số ô nhiễm bụi mịn (PM10 và PM2.5) cao hơn các đô thị miền Trung và miền Nam. Xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc tăng cao vào mùa đông, ít mưa (khoảng từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau).
Các thành phố ở Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Nha Trang giá trị thông số bụi PM10 và PM2.5 ít biến động giữa các tháng trong năm. Trong khi đó, các thành phố ở khu vực Nam Bộ, giá trị thông số bụi mịn phân hóa khá rõ, tăng cao trong mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 9) và giảm trong mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau).
Nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây tác động ô nhiễm không khí được xác định là từ hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hiện tại Thành phố có hơn 770 nghìn xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.Hà Nội.
Ngoài ra, theo ý kiến của PGS, TS Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng là do người dân tại khu vực này thường đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch.
Việc đốt rơm, rạ ngoài đồng ruộng là quá trình đốt không kiểm soát và đốt cháy không hoàn toàn, vì vậy dễ phát sinh nhiều chất độc hại vào môi trường như các khí bụi PM10 và PM2.5. Trong khi khói rơm, rạ cũng được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh có liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn, gây ra tình trạng ngột ngạt, khó thở...
Tăng cường công tác quản lý
Thứ trưởng Bộ TN& MT Võ Tuấn Nhân nhận định: Công tác quản lý CLKK ở nước ta còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý CLKK, quan trắc và công bố thông tin CLKK chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng.
Ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường không khí chưa cao, nhất là tình trạng công trình xây dựng, công trình giao thông không bảo đảm yêu cầu về môi trường vẫn diễn ra; tình trạng xả rác bừa bãi, đốt chất thải, phụ phẩm sau thu hoạch vẫn chưa có chuyển biến tích cực...
Để tăng cường kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu đến CLKK, Bộ TN&MT đang phối hợp các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam. Xây dựng, ban hành tiêu chí, chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường…
Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường. Tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; kịp thời hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế, giảm bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông; hạn chế việc đốt các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch...
Nhiều đề án của 2 Thành phố lớn
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 172/KH-UBND về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Dự kiến, sẽ có khoảng 3.000 - 5.000 xe máy được đo kiểm khí thải, thời gian thực hiện trong 2 năm là 2021 và 2022.
Còn tại TP.HCM, Sở GTVT Thành phố phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Viện ITST xây dựng Ðề án Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí. Lộ trình thực hiện Ðề án dự kiến từ năm 2021 đến 2030 với tổng kinh phí kiểm định khí thải xe gắn máy là 553 tỉ đồng.
TP.HCM dự kiến mức phí kiểm tra khí thải là 50.000 đồng/xe/năm; sẽ miễn phí kiểm tra khí thải cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo (có xác nhận của địa phương) và có cơ chế hỗ trợ người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.
Đình Thắng (t/h)