Thứ bảy, 09/11/2024 20:41 (GMT+7)
Thứ tư, 14/12/2022 09:55 (GMT+7)

Giữa cơn "khát" vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tự tìm lối thoát cho mình

Theo dõi KTMT trên

Thay vì chỉ chờ đợi các giải pháp đến từ chính sách, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã chủ động tự tìm cách vượt qua khó khăn.

Giải pháp rõ ràng nhất đó là chiết khấu

Chiết khấu, giảm giá, thậm chí là phải tìm doanh nghiệp mạnh hơn để bán lại dự án - đó là những cách mà các doanh nghiệp bất động sản, theo cách nói của các chuyên gia là phải tự "nhóm lửa trong băng" để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay khi chờ đợi những quyết sách mới từ Chính phủ.

Theo nhận định của giới quan sát, tình trạng thổi giá quá đà đã đẩy giá nhà đất lên quá cao, khiến cho một số phân khúc bị “đóng băng”, không có giao dịch. Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường bất động sản vẫn đang bị siết chặt, các kênh dẫn vốn khác cũng bị kiểm soát gắt gao hơn khiến cho doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, không bán được hàng, không đủ chi phí vận hành bộ máy.

Giữa cơn "khát" vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tự tìm lối thoát cho mình - Ảnh 1
Những phân khúc nhà ở cho người dân đô thị vẫn là điểm sáng trên thị trường hiện nay. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nới room tín dụng. Đây là những thông tin tốt đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thay vì chỉ chờ đợi các giải pháp đến từ chính sách, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đã chủ động tự tìm cách vượt qua khó khăn.

Chiết khấu, giảm giá, thậm chí là phải tìm doanh nghiệp mạnh hơn để bán lại dự án, đó là những cách mà các doanh nghiệp bất động sản, theo cách nói của các chuyên gia là phải tự "nhóm lửa trong băng" để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, những phân khúc nhà ở cho người dân đô thị vẫn là điểm sáng trên thị trường hiện nay.

Giải pháp rõ ràng nhất đó là chiết khấu, thực chất là một hình thức giảm giá bán nhưng với điều kiện người mua phải trả một lúc gần hết tiền. Đơn cử, một số dự án đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán, khi người mua thanh toán vượt tiến độ 95%. Các hoạt động mua bán sáp nhập M&A cũng đang âm thầm diễn ra.

Làm thế nào để người mua - người bán gặp nhau được về mức giá

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5-2%, một số dự án bất động sản đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.

Chia sẻ của ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay: "Giả định lượng vốn tín dụng hiện nay khoảng 20% dành cho bất động sản, thì trong hơn 200.000 tỷ đồng sẽ có 40.000 tỷ cho bất động sản. Nên nhớ trong 2013, chỉ có gói 30.000 tỷ cho thị trường, từ gói hỗ trợ đã giúp thị trường bứt phá".

Thị trường đã có sự điều chỉnh về giá bán, song vẫn còn cao. Bởi vậy, ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn chung, làm thế nào để người mua - người bán gặp nhau được về mức giá, tiến hành chốt giao dịch cũng là vấn đề quan trọng. Các chuyên gia nhận định làm được điều này sẽ khơi thông được bế tắc về thanh khoản của thị trường, bởi nhu cầu nhà ở thực hiện nay vẫn rất lớn, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gần đây cho biết.

Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real nói về những khó khăn chung thời điểm hiện tại cho biết, các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, lãi suất ngân hàng liên tục có xu hướng tăng cao khiến nhà đầu tư có phần “run tay”. Song, những người có sẵn tiền mặt vẫn đang thận trọng quan sát diễn biến thị trường, và các sản phẩm phù hợp vẫn được hấp thụ.

Ông Sơn cũng cho rằng thị trường trong nguy có cơ, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, những người có sẵn tiền mặt nên gửi tiền vào ngân hàng với kỳ hạn ngắn, chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn, những cơ hội tốt để sở hữu được những sản phẩm có giá hợp lý.

Thùy Dung -Thế Anh

Bạn đang đọc bài viết Giữa cơn "khát" vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tự tìm lối thoát cho mình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới