Nhiều đảo quốc sẽ chìm sâu dưới đáy biển
Tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih khẳng định, sự nóng lên toàn cầu là bản án tử đối với hòn đảo trên Ấn Độ Dương.
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi có tính hệ thống các yếu tố khí hậu so với trung bình của khí hậu đã duy trì trong vài thập niên hoặc dài hơn. Sự biểu hiện của BĐKH thách thức loài người trong thế kỉ 21 là sự nóng lên toàn cầu cùng với sự gia tăng mực nước biển. Nó có thể khiến nhiều đảo quốc chìm sâu dưới đáy biển vào cuối thế kỷ này.
Do vậy, trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih khẳng định sự nóng lên toàn cầu là bản án tử đối với hòn đảo trên Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Biến đổi khí hậu và Công nghệ Maldives, Aminath Shauna cho biết, thế giới cần liên kết và hành động nhanh chóng để chống lại biến đổi khí hậu. Bà nhận định, nếu tình trạng hủy hoại môi trường tiếp tục với tốc độ như hiện tại, sẽ không còn Maldives vào năm 2100.
"Biến đổi khí hậu đang hiện hữu và chúng tôi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Không có vùng đất nào cao hơn cho chúng tôi, chỉ có đảo và biển", nữ Bộ trưởng phát biểu với báo giới.
Giáo sư Gossling tại Đại học Linnaeus (Thụy Điển) và Daniel Scott, giáo sư thuộc Đại học Waterloo (Canada) đã tạo ra chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cho ngành du lịch.
"Maldives đã xác định điều này từ nhiều năm trước và họ sẽ tiếp tục phát triển du lịch. Đây là nguồn thu nhập đáng kể nhất của Maldives trong vài thập kỷ tới trước khi hòn đảo biến mất", Scott nói.
Với mục đích thu hút sự chú ý của các nhà hoạch địch chính sách, họ đã xác định các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong đó, những quốc đảo thuộc Sids chiếm phần nhiều trong danh sách trên.
Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào năm 2050, 80% dân số trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, các nhà khoa học dự đoán mực nước biển có thể tăng thêm 1,1 m vào năm 2100. Nếu những dự đoán này thành hiện thực, đảo quốc Nam Á nổi tiếng này có thể nằm trong số bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Liên Hợp Quốc đã công nhận 38 quốc đảo đang phát triển là thành viên của Sids. Các quốc gia này được tập hợp lại với nhau vì đều phải đối mặt với những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo April Baptiste, giáo sư từ Đại học Colgate của New York, lời kêu gọi của các đảo quốc đã bị bỏ qua trong nhiều năm vì những nước này có diện tích nhỏ, quyền lực chính trị và nguồn lực kinh tế còn hạn chế.
Rốt cuộc, Chính phủ và người dân ở những đảo quốc phải tự giải quyết vấn đề cấp thiết này. Trước đó, Vanuatu tuyên bố sẽ mang vấn đề biến đổi khí hậu lên Tòa án Công lý Quốc tế, dù động thái này phần nhiều mang tính hình thức vì không có ràng buộc về mặt pháp lý nào liên quan đến biến đổi khí hậu trong công pháp quốc tế.
Tháng trước, một nhóm quốc đảo Thái Bình Dương đã thông báo ranh giới biển của họ vẫn nguyên vẹn, ngay cả khi đường bờ biển bị thu hẹp. Hành động này đến sau khi hiện tượng xâm nhập mặn phá hủy mùa màng và làm ô nhiễm nguồn nước ngọt của người dân trên đảo.
Mauritius may mắn hơn những quốc gia trong Sids vì nền kinh tế phát triển trên nhiều lĩnh vực, nằm ở khu vực tương đối cao so với mực nước biển và rạn san hô có khả năng ngăn ngừa xói mòn. Nhưng đảo quốc nằm ở phía Đông Madagascar cũng không tránh khỏi tác động từ biến đổi khí hậu.
Mauritius mong muốn nhận được lời cam kết từ các quốc gia công nghiệp phát triển tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, dự kiến diễn ra ở Glasgow (Scotland) vào tháng 11. Thủ tướng Antigua và Barbuda (thuộc vùng biển Caribbean) Gaston Brown lại cho rằng các quốc gia công nghiệp phát triển có nhiệm vụ hỗ trợ một số quốc đảo chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Gossling cho biết các nước thuộc Sids có nhiều mâu thuẫn giữa biện pháp phòng chống biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc vào du lịch.
"Tôi nghĩ rằng Sids chưa bao giờ nỗ lực nghiêm túc để xem xét phát triển các lĩnh vực kinh tế khác, bên cạnh du lịch. Điều hiển nhiên là, những quốc đảo này tập trung vào du lịch, du lịch sẽ phát triển và cuối cùng hầu như họ phải lệ thuộc vào du lịch", Gossling nói.
Sau tất cả, những quốc đảo thuộc Sids cần lời kêu gọi và hành động thiết thực từ các nước phát triển, thay vì sự thờ ơ trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bấy lâu nay.
Nguyễn Linh