Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2020
Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt; “Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”; Quy định chi tiết về Luật Kiến trúc; Quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2020.
Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt
Trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo.
Tuy nhiên, theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 9 thì quy định này đã bị bãi bỏ.
(Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:
- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 1 đến 3 triệu đồng;
- Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: sẽ bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
“Trạm thu giá” lại trở về tên “trạm thu phí”
Trước đây, năm 2010, tại Thông tư 05, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt tên cho nơi thực hiện việc thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải lại ban hành ra Thông tư 49, thay thế Thông tư 05. Trong đó đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá.
Từ tháng 9/2020, "trạm thu giá" lại trở về tên cũ là "trạm thu phí". (Ảnh minh họa) |
Từ ngày 15/9/2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 49 nêu trên. Theo quy định của Thông tư này, trạm thu giá sẽ được trở về với cái tên ban đầu của nó, là trạm thu phí.
Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm.
Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử thông tin về tổng thời gian được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ, thời điểm bắt đầu thu, doanh thu tháng trước của trạm thu phí số điện thoại để tiếp nhận thông tin phản ánh….
Quy định các tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị
Từ ngày 07/9, Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị.
(Ảnh minh họa) |
Cụ thể, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc; Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình; Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.
Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử; Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương; Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.
Quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo
Ngày 17/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục, có hiệu lực thi hành từ 01/9/2020.
Theo đó, thời gian nghỉ hè của nhà giáo như sau:
– Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
– Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học…
Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
Người tố cáo là cán bộ, công chức được bảo vệ vị trí công tác
Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo có hiệu lực từ ngày 5/9/2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.
Thông tư 03 quy định sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo; không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ một số trường hơp như: Được sự đồng ý của người đó; Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Giảm giá vé giao thông công cộng, dịch vụ giải trí cho học sinh, sinh viên
Ngày 17/07/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục 2019.
(Ảnh minh họa) |
Theo đó, Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định 02 dịch vụ công cộng giảm giá vé cho học sinh, sinh viên gồm:
Dịch vụ công công về giao thông như: tàu hỏa, xe ô tô buýt;
Dịch vụ công cộng về giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa: Bảo tàng, di tích lịch sử, thư viện, triển lãm.
Các đơn vị tham gia vận tải công cộng và cơ sở văn hóa, giải trí phát hành vé giảm giá cho học sinh, sinh viên khi học sinh, sinh viên xuất trình thẻ học sinh, sinh viên.
Nguyễn Luận