Thứ hai, 06/01/2025 15:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/01/2025 10:38 (GMT+7)

Nhiệt điện, xi măng phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải

Theo dõi KTMT trên

Nhà máy nhiệt điện; Cơ sở sản xuất xi măng và một số loại hình cơ sở sản xuất sẽ phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 5/1/2025.

Nhiệt điện, xi măng phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải - Ảnh 1
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Theo Nghị định 153/2024/NĐ-CP  quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải là bụi, khí thải công nghiệp xả ra môi trường phải được xử lý của các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung cấp phép về xả khí thải (cơ sở xả khí thải).

Theo Nghị định, các cơ sở xả khí thải bao gồm: Cơ sở sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu); Cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản (trừ khí công nghiệp), phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ (trừ phối trộn, sang chiết, đóng gói), thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trừ phối trộn, sang chiết);

Cơ sở lọc, hoá dầu; Cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; sử dụng phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Cơ sở sản xuất than cốc, sản xuất khí than; Nhà máy nhiệt điện; Cơ sở sản xuất xi măng; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có phát sinh bụi, khí thải công nghiệp không thuộc các cơ sở trên.

Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau: F = f + C.

Trong đó: F là tổng số phí phải nộp trong kỳ nộp phí (quý hoặc năm); f là phí cố định (quý hoặc năm); C là phí biến đổi, tính theo quý.

Phí biến đổi của cơ sở xả khí thải (C) là tổng số phí biến đổi tại mỗi dòng khí thải (Ci) được xác định theo công thức sau: C = ΣCi.

Phí biến đổi mỗi dòng khí thải (Ci) bằng tổng số phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này có trong khí thải tại mỗi dòng khí thải (i) và được xác định theo công thức sau: Ci= Ci (Bụi) + Ci (SOx) + Ci (NOx) + Ci (CO)

Về mức thu phí, tại Nghị định đã quy định, đối với cơ sở xả khí thải không thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải, sẽ có mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4. Trường hợp cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (5/1/2025) hoặc cơ sở xả khí thải đang hoạt động trước ngày 5/1/2025: số phí phải nộp = (f/12) x thời gian tính phí (tháng).

Trong đó, thời gian tính phí là thời gian kể từ tháng tiếp theo của tháng Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải đang hoạt động) hoặc tháng bắt đầu đi vào hoạt động (áp dụng đối với cơ sở xả khí thải mới đi vào hoạt động kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành) đến hết quý hoặc hết năm.

Còn đối với cơ sở xả khí thải thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải sẽ có mức thu phí cố định (f): 3.000.000 đồng/năm. Trường hợp người nộp phí nộp theo quý thì mức thu phí tính cho 01 quý là f/4. Mức thu phí biến đổi của các chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải như sau: Bụi và NOx (gồm N02 và NO) là 800 đồng/tấn; SOx là 700 đồng/tấn; CO là 500 đồng/tấn.

Về quản lý và sử dụng phí, Nghị định quy định tổ chức thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.

Đối với trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 25% trên tổng số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP; nộp 75% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt điện, xi măng phải chịu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong kiểm soát CPI
Tính chung cả năm, CPI tăng 3,63% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra. Nếu so với tháng 12/2023, mức tăng là 2,94%. Như vậy, Việt Nam tiếp tục có thêm một năm thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
GDP năm 2024 tăng 7,09%
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2024 tăng 7,09% so với năm trước. Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.