Thứ sáu, 22/11/2024 09:09 (GMT+7)
    Thứ tư, 07/12/2022 10:50 (GMT+7)

    Nhiên liệu xanh - Giải pháp bền vững cho ngành hàng không toàn cầu

    Theo dõi KTMT trên

    Trong bối cảnh lượng khí thải từ hàng trăm nghìn chuyến bay mỗi ngày đặt ra thách thức cho ngành hàng không, muốn phát triển bền vững cần nghiên cứu, sử dụng nguồn nhiên liệu có lượng carbon thấp hơn để hạn chế tác động đến môi trường.

    Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành hàng không tiêu thụ gần 8% sản phẩm xăng, dầu thế giới. Con số này tương đương 7 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày, trong đó máy bay chở khách chiếm hơn 90%.

    Tỷ lệ với lượng nhiên liệu tiêu thụ, các chuyến bay cũng thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn carbon mỗi năm, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu.

    Các chuyên gia phân tích, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang phục hồi mạnh mẽ và có thể về mức trước đại dịch vào năm 2025, sau đó tăng gấp 3 vào năm 2050. Điều này có nghĩa, lượng xăng dầu tiêu thụ có thể tăng vọt lên 14 triệu thùng mỗi ngày.

    Trong bối cảnh lượng khí thải từ hàng trăm nghìn chuyến bay mỗi ngày đặt ra thách thức cho ngành hàng không, muốn phát triển bền vững cần nghiên cứu, sử dụng nguồn nhiên liệu có lượng carbon thấp hơn để hạn chế tác động đến môi trường.

    Nhiên liệu xanh - Giải pháp bền vững cho ngành hàng không toàn cầu - Ảnh 1
    Lượng khí thải từ hàng trăm nghìn chuyến bay mỗi ngày đặt ra thách thức cho ngành hàng không muốn phát triển bền vững cần nghiên cứu, sử dụng nguồn nhiên liệu có lượng carbon thấp hơn.

    Mới đây, hãng hàng không Air France-KLM vừa công bố đạt được một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng TotalEnergies để mua 800.000 tấn nhiên liệu xanh trong vòng 10 năm tới.

    Vào cuối tháng 10, Air France-KLM cũng đã đạt được cam kết với hai công ty năng lượng là Neste của Phần Lan và DG Fuel của Mỹ để mua 1,6 triệu tấn nhiên liệu bền vững vào năm 2036 cho liên doanh hàng không Pháp-Hà Lan này.

    Không chỉ Air France-KLM, cả Ryanair và nhiều hãng hàng không lớn khác cũng đang đổ xô tìm kiếm nguồn cung cấp nhiên liệu bền vững, hiện đang bị thiếu hụt do nhu cầu ngày càng lớn trên thị trường. Trong những tháng gần đây, rất nhiều công ty lớn đưa ra những thông báo tương tự. Ví dụ ngày 1/12, Shell hứa sẽ giao 360.000 tấn nhiên liệu xanh cho Ryanair - tương đương với hơn 70.000 chuyến bay Dublin-Milan.

    Trước đó, vào tháng 6/2022, Malaysia đã khai thác chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) với hành trình từ Kuala Lumpur đến Singapore. Theo đó, chiếc máy bay Boeing 737-800 mang số hiệu MH603 được vận hành bằng nhiên liệu được pha trộn giữa nhiên liệu máy bay phản lực thông thường và SAF sản xuất từ 100% chất thải tái chế và nguyên liệu thô như chất thải mỡ động vật của Neste - nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới. 

    Trong khi đó, Neste cam kết hỗ trợ ngành hàng không đạt được các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng và hiện đang mở rộng năng lực sản xuất SAF toàn cầu lên 1,5 triệu tấn vào cuối năm 2023 để sẵn sàng hỗ trợ thị trường hàng không châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu.

    SAF giảm phát thải khí nhà kính tới 80%, so với nhiên liệu hóa thạch. SAF do Neste sản xuất được làm từ 100% nguyên liệu thô và chất thải có thể tái tạo và có nguồn gốc bền vững.

    Năm ngoái, Shell cũng đảm bảo cung cấp cho Lufthansa tới 1,8 triệu tấn nhiên liệu xanh trong giai đoạn 2024-2030. Đối với EasyJet, vào tháng Chín, Shell cũng cam kết rằng công ty Q8 Aviation tại Kuwait sẽ cung cấp nhiên liệu bền vững nhiều nhất có thể cho hãng hàng không giá rẻ này từ nay cho đến năm 2027.

    Sở dĩ các hãng hàng không tìm kiếm nguồn cung nhiên liệu sạch vì đó là một nguồn tài nguyên chiến lược. Không có nhiên liệu sạch, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như đã cam kết.

    Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, sử dụng nhiên liệu bền vững sẽ giảm 65% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050. Trong khi chờ đợi các dòng máy bay thế hệ tiếp theo (có thể là máy bay chạy bằng điện, hoặc bằng khí hydro hóa lỏng) thì việc sử dụng nguồn nhiên liệu bền vững này là sự lựa chọn tối ưu để bảo vệ môi trường.

    Tuy nhiên, nhiên liệu xanh từ dầu chiên hoặc sinh khối (chất thải nông nghiệp) là một nguồn tài nguyên quý hiếm. Laurent Timsit, tổng đại diện của Liên đoàn hàng không thương mại quốc gia (Fnam) nhấn mạnh: "Nguồn nhiên liệu này đang khan hiếm, bởi vì hiện chưa có một ngành sản xuất thực sự”.

    TotalEnergies và những “gã khổng lồ” năng lượng khác mới chỉ bắt đầu phát triển lĩnh vực này. Do đó các hãng đi đầu trong lĩnh vực hàng không buộc phải đảm bảo nguồn cung của họ. Những hãng non trẻ hơn chưa thể tiếp cận được nguồn nhiên liệu này.

    Để giải quyết sự thiếu hụt này, Pháp đã yêu cầu các công ty sản xuất nhiên liệu duy trì tỷ lệ pha trộn 1% nhiên liệu xanh vào nhiên liệu truyền thống, trong năm tới, sau đó tăng lên 2% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030.

    Không dừng lại ở đó, để đảm bảo đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, một văn bản đang được đưa ra tranh luận tại Nghị viện châu Âu quy định nghĩa vụ kết hợp 2% nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu máy bay thông thường vào năm 2025, 37% vào năm 2040 và 85% vào năm 2050.

    Việc tăng tỷ lệ nhiên liệu xanh này sẽ khiến các hãng vận tải phải chi rất nhiều tiền vì giá đắt gấp 4-5 lần so với nhiên liệu thông thường. Như vậy, đơn hàng do Air France-KLM đặt với Neste và DG Fuel sẽ lên tới hàng tỷ USD.

    Ngay từ bây giờ, chi phí nhiên liệu mới đã được thể hiện trong giá vé máy bay. Vào tháng 1/2022, Air France đã thông báo tăng tới 12 euro (12,62 USD) trên các chuyến bay khởi hành từ Pháp vì có sử dụng nhiên liệu bền vững. Corsair cũng thêm từ 2-12 euro trong giá vé để bù tiền chuyển đổi nhiên liệu.

    Vào tháng 5/2021, nhân chuyến bay Paris-Montreal đầu tiên của Air France với 16% nhiên liệu bền vững, Giám đốc điều hành của TotalEnergies, Patrick Pouyanné, phát biểu rằng: "Quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái sẽ phải được tài trợ không chỉ bởi các hãng hàng không hay các công ty năng lượng, mà còn bao gồm cả khách hàng sử dụng dịch vụ".

    Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

    Chung tầm nhìn và hướng đi bền vững của ngành Hàng không thế giới, Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không nội địa như Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines, Pacific Airlines cũng đang theo đuổi hướng đi này. 

    Điển hình là Bamboo Aiways đã kiên định theo đuổi chiến lược phát triển hàng không bền vững, thông qua nhiều chiến dịch, sản phẩm thân thiện với môi trường. Đến nay, hãng đã tiến hành nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức, giảm thiểu rác thải nhựa trên các chuyến bay, bảo tồn sinh thái tại điểm đến; triển khai kế hoạch mở rộng đội bay với động cơ tiết kiệm nhiên liệu, nhằm xanh hóa các chuyến bay… hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực hàng không. Qua đó đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế bền vững.

    Lan Anh

    Bạn đang đọc bài viết Nhiên liệu xanh - Giải pháp bền vững cho ngành hàng không toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.