Nhật Cường rửa tiền, buôn lậu tinh vi thế nào?
Những sai phạm liên quan đến buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, xảy ra tại Nhật Cường và các đơn vị có liên quan được cho là đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ Nhật Cường vào diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. |
Ngày 18/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền” xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan. Ngoài ra, 1 vụ án khác cũng được bổ sung vào diện này là vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Rửa tiền, buôn lậu tinh vi
Trước đó, ngày 9/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Công ty Nhật Cường tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại... để phục vụ điều tra.
Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Bùi Quang Huy vừa là ông chủ của Nhật Cường Mobile, đồng thời là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) - đối tác triển khai nhiều dịch vụ công của Hà Nội.
Ngày 14/5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án số 27/C03-P14 về tội “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Đồng thời, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, bị can Bùi Quang Huy, TGĐ công ty Nhật Cường bị khởi tố 2 tội “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội “Buôn lậu” đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm “Rửa tiền” theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 9/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền” theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.
Theo đó, Huy và đồng phạm đã móc nối với các công ty sản xuất từ nhiều quốc gia để nhập các thiết bị điện tử về Việt Nam tiêu thụ. Ngoài một số thiết bị được Công ty Nhật Cường khai báo hải quan, nộp thuế, còn lại phần lớn là nhập lậu.
Quá trình khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến công tác kế toán, tài chính của Công ty. Qua phân tích ban đầu, Ban chuyên án nhận định, Công ty Nhật Cường đã lập và sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán tài chính.
Trong đó, so sánh giữa hai hệ thống số sách kế toán thì các số liệu và con số có sự “vênh nhau” rất lớn. Cơ quan điều tra xác định, Công ty Nhật Cường đã để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu trong suốt thời gian dài.
Nhật Cường trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội
Buôn lậu, trốn thuế chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm” Nhật Cường, công ty này còn đang quản trị, lưu giữ một loạt cơ sở dữ liệu quan trọng của hàng triệu người dân Hà Nội từ hồ sơ sức khỏe, dịch vụ công, phần mềm quản lý giáo dục, y tế...
Theo đó, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) tiền thân là một trung tâm công nghệ thông tin của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, dù mới thành lập, hoạt động năm 2016, nhưng Nhật Cường Software đã trúng thầu nhiều dự án lớn về công nghệ của Hà Nội.
Cụ thể, năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định 6699 thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, DN với tổng giá trị phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 1 gói thầu trị giá 10,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, hình thức lựa chọn nhà thầu cho hạng mục này là “chỉ định thầu” và Công ty Nhật Cường được lựa chọn. Thống kê cho thấy, Nhật Cường Software tham gia xây dựng 126 dịch vụ công.
Nhật Cường còn cung cấp những phần mềm cực kỳ quan trọng liên quan đến bảo mật, an ninh của lực lượng Công an Hà Nội như phần mềm quản lý tội phạm, phần mềm lưu trú, cơ sở dữ liệu dân cư cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu gồm hơn 7 triệu người cho Công an Hà Nội dễ dàng tìm kiếm, theo dõi và thêm mới; tích hợp với các giải pháp của Nhật Cường Software (sức khỏe, hộ tịch...) cho phép chiết xuất dữ liệu.
Nhật Cường Software cũng triển khai phần mềm Dịch vụ công trực tuyến (eSAM). Đây là dịch vụ hành chính công của Hà Nội được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân khắp các xã, phường trên môi trường mạng và được chia thành 4 cấp độ. Tuy nhiên, các phần mềm này khi triển khai từng dính nhiều lỗi.
Từ tháng 8/2016, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Nhật Cường Software xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thông tin giáo dục và sổ điểm điện tử. Song thời gian đầu khi đưa vào sử dụng, rất nhiều giáo viên, nhân viên được giao phụ trách phần mềm học bạ điện tử ở các trường đã lên tiếng phàn nàn về lỗi hệ thống của phần mềm này.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; xác minh để thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế với bị can Bùi Quang Huy và Ngô Xuân Sử. Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam.
Trung trướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết Bùi Quang Huy bị Interpol đưa vào truy nã đỏ. Khi có truy nã đỏ, tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm đều được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan của hơn 190 quốc gia thành viên Interpol để kiểm soát việc di chuyển của đối tượng bị truy nã.
Mai Anh