Khoản nợ của Nhật Cường Mobile tại MB có thu hồi được không?
Ngay sau khi lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) bị khởi tố, dư luận đặt câu hỏi về khoản nợ vay của doanh nghiệp này tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, mã: MBB) liệu có thu hồi được không?
Ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile để điều tra về hành vi buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng tại công ty này.
Cùng với ông Huy, 8 đồng phạm khác cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hai tội danh trên, sau khi công an khám xét các cửa hàng Nhật Cường và nhà riêng của ông Huy hôm 9/5.
Lãnh đạo Nhật Cường Mobile bị cáo buộc vi phạm buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia và gian lận kế toán tài chính với doanh thu nghìn tỉ đồng nằm ngoài sổ sách.
Theo tìm hiểu, ông Bùi Quang Huy là cổ đông lớn nhất sở hữu 90% vốn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (thành lập năm 2001) với mức vốn điều lệ hiện là 38 tỉ đồng. Công ty này đã xây dựng và phát triển chuỗi 20 cửa hàng bán lẻ điện thoại, thiết bị Nhật Cường Mobile trên toàn quốc. Doanh thu hàng năm lên tới 340-380 tỉ đồng, song lợi nhuận lại ở mức rất thấp chỉ trên dưới 1 tỉ đồng.
Trong 8 năm quan hệ tín dụng với Nhật Cường Mobile, MB có nắm được những vi phạm pháp luật của khách hàng này? |
Ngoài bán lẻ điện thoại, ông Bùi Quang Huy còn có Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường NhatCuong Sofware (thành lập năm 2016) và đã được giao làm nhiều dự án công nghệ của TP Hà Nội.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, công ty Nhật Cường được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đồng hành cho vay vốn.
Theo thông tin từ nhadautu.vn, từ năm 2011 đến nay, công ty Nhật Cường và vợ chồng ông Bùi Quang Huy đã ký nhiều hợp đồng vay vốn với MB. Tài sản đảm bảo là nhiều xe sang như Bentley, LandRover, Lexus hay căn nhà rộng 694 m2 tại 151 Thuỵ Khê, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Đầu tháng 11/2018, vợ chồng ông Bùi Quang Huy đã thế chấp 90% vốn điều lệ của Nhật Cường có giá trị theo mệnh giá 34,2 tỉ đồng để vay vốn tại MBBank chi nhánh Ba Đình. Hay trước đó công ty cũng thế chấp quyền đòi nợ của một dự án thầu số hoá cho TP Hà Nội…
Chia sẻ với báo chí ngay sau khi ông chủ Nhật Cường bị khởi tố, ngân hàng MB cho biết, khoản vay của Nhật Cường tại MB hiện khoảng hơn 43 tỉ đồng. Ngân hàng đã cho công ty này vay trên cơ sở có tài sản đảm bảo theo quy trình tín dụng thông thường.
MB cho rằng ngân hàng hoàn toàn không liên quan đến những vấn đề đang điều tra tại Nhật Cường và không có trách nhiệm gì về những sai phạm (nếu có) tại đây. Trong trường hợp xấu nhất là không thể thu hồi được khoản cho vay của công ty Nhật Cường thì MB sẽ bị thiệt hại là hơn 43 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ vụ án điều tra sai phạm tại công ty Nhật Cường đã hé lộ những gian lận tài chính và buôn bán hàng lậu của công ty này. Câu hỏi đặt ra là, trong suốt 8 năm giao dịch cho vay, MB có nắm được những vi phạm của Nhật Cường không và ngân hàng đã đánh giá hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và xếp hạng tín nhiệm của công ty Nhật Cường ra sao để duyệt cho vay?
Một giả định đặt ra là: nếu cơ quan điều tra chứng minh các lãnh đạo công ty Nhật Cường đã có hành vi gian lận doanh thu và lợi nhuận để trốn thuế, buôn lậu hàng hoá không có nguồn gốc và chứng từ hợp pháp… thì ngân hàng đã cho vay dựa trên các hồ sơ chứng từ do Nhật Cường cung cấp liệu có chính xác, có được cán bộ MB đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng?
Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Nhật Cường năm 2016-2018 |
Với doanh thu hàng trăm tỷ đồng và dư nợ hơn 43 tỉ đồng ở thời điểm hiện tại, có thể thấy Nhật Cường nằm trong nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và ngân hàng MB sẽ phải xem xét phê duyệt cho vay, đánh giá rủi ro nợ xấu hậu giải ngân vốn. Bởi những rủi ro phát sinh từ quá trình cho vay của MB sẽ gây ra nợ xấu và làm giảm kết quả lợi nhuận ngân hàng, cũng như phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp.
Trong quá khứ, ngân hàng MB cũng từng dính líu tới vụ án sai phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lớn tại Tổng công ty PETEC được Toà án nhân dân TP Hải Phòng xét xử vào đầu năm 2015. Theo cáo trạng, bị cáo Ngô Quang Đạo và kế toán Phạm Thị Thu Dung đã lập ra 4 công ty và mượn pháp nhân để đứng ra mua xăng dầu bằng bảo lãnh của các ngân hàng như Agribank, MB… Trong năm 2011-2012, hai chi nhánh PETEC đã chấp nhận tới 85 bảo lãnh giả và "khống" với tổng trị giá 1.284 tỉ đồng để bán xăng dầu cho nhóm công ty của Ngô Quang Đạo, gây thiệt hại cho PETEC hơn 468 tỉ đồng.
Ở vụ án này, bị cáo Dung khai rằng ông Trần Minh Đạt, Giám đốc chi nhánh MB Hai Bà Trưng (Hà Nội, tháng 11/2014 được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc MB) đã cấp 6 bảo lãnh thanh toán với tổng giá trị 108 tỉ đồng cho 3 công ty của Đạo và Dung. Các bảo lãnh này đã được sử dụng để mua xăng dầu trót lọt tại PETEC Hà Nội và Thái Bình. Cho đến giờ, lãnh đạo MB có liên quan trách nhiệm tới vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trăm tỉ đồng tại PETEC hay không vẫn chưa được điều tra làm rõ.
Năm 2018, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng MB tăng trưởng 16,6% đạt 214.686 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,33% dư nợ, tương ứng gần 2.860 tỉ đồng nợ xấu, trong số này có hơn 962 tỉ đồng nợ có nguy cơ mất vốn. Đến cuối quý 1/2019, nợ xấu của MB tiếp tục tăng thêm 13% lên mức 3.229 tỉ đồng. Do quy mô nợ xấu liên tục “phình” to nên MB đã phải dành tới 1/3 lợi nhuận thuần kinh doanh để trích lập dự phòng rủi ro làm ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận. Cụ thể, năm 2018 trích lập hơn 3.035 tỉ đồng dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 7.767 tỉ đồng và quý 1/2019 trích rủi ro hơn 964 tỉ đồng (bằng 1/3 lợi nhuận thuần), nên lãi trước thuế còn 2.424 tỉ đồng. |
Kim Anh