Thứ bảy, 23/11/2024 03:20 (GMT+7)
Thứ năm, 25/02/2021 08:39 (GMT+7)

Nhập khẩu than - Hướng phát triển cho ngành nhiệt điện than trong tương lai

Theo dõi KTMT trên

Than trong nước sẽ không đủ cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Vì vậy, các nhà máy nhiệt điện than mới vào vận hành trong giai đoạn tới đều phải sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương có Văn bản số 828/BCT-ĐL xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Trong đó đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nhiệt điện than.

Theo Dự thảo, nhiệt điện than chiếm khoảng 30% trong cơ cấu công suất nguồn điện toàn quốc năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27%/năm, lớn nhất trong toàn ngành giai đoạn 2011-2015.

Nhập khẩu than - Hướng phát triển cho ngành nhiệt điện than trong tương lai - Ảnh 1
Các nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu than trong nước lại không đáp ứng được cho các dự án nhiệt điện mới và nhập khẩu than đang trở thành thách thức khi liên tục tăng sản lượng theo các năm.

Cụ thể là, tài nguyên than trong nước đang có mức độ thăm dò quá thấp, mới chỉ có khoảng 7,3% đạt cấp chắc chắn và tin cậy; Điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp, trong khi thuế, phí ngày càng tăng cao; Việc cấp phép còn nhiều bất cập...Tại khu vực Quảng Ninh một số quy hoạch địa phương còn chồng lấn quy hoạch trong khai thác than.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu than có tồn tại một số khó khăn, thách thức như: Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt, trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính – thương mại lớn trên thế giới sắp đặt “trật tự” và chi phối từ trước; Cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than còn yếu, nhất là chưa có cảng trung chuyển than nhập khẩu quy mô lớn, năng lực vận chuyển đường sông nội địa từ cảng biển về các nhà máy nhiệt điện than quá mỏng; Cơ chế chính sách và tổ chức nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện còn nhiều bất cập.  

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng điện đến năm 2030. Tuy nhiên, việc cung cấp than, khí cho phát điện gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể về cung cấp than, dự kiến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 60 triệu tấn, năm 2025 khoảng 70 triệu tấn, tới năm 2030 khoảng 100 triệu tấn. Trong khi khả năng cung cấp than trong nước chỉ đáp ứng được 30-35 triệu tấn.

Như vậy, nhu cầu than nhập khẩu trở nên cấp bách trong khi phương án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than vẫn chưa được triển khai, ông Ngãi cho hay.

Hiện nay, than trong nước sẽ không đủ cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Vì vậy, các nhà máy nhiệt điện than mới vào vận hành trong giai đoạn tới đều phải sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài.

Việt Nam đã phải nhập khẩu than antraxit bù cho các nhà máy hiện có đang sử dụng than nội. Ở miền Bắc có 3 nhà máy nhiệt điện than đã được thiết kế dùng than antraxit dự kiến vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025, với tổng công suất 3600 MW sẽ phải xem xét sử dụng than trộn gồm: Thái Bình II, Hải Dương, Nam Định I.

Nhập khẩu than - Hướng phát triển cho ngành nhiệt điện than trong tương lai - Ảnh 2
Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện theo vùng (Kịch bản phụ tải cơ sở). Đơn vị: triệu tấn/năm.

Trong trường hợp khô hạn, nhu cầu than nhập khẩu sẽ tăng khoảng 3-4 triệu tấn/năm so với năm nước trung bình.

Trong kịch bản phụ tải cao, nhu cầu than nhập khẩu sẽ tăng từ 5-12 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2030-2045 so với kịch bản phụ tải cơ sở.

Nhập khẩu than - Hướng phát triển cho ngành nhiệt điện than trong tương lai - Ảnh 3
Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện theo vùng (Kịch bản phụ tải cao). Đơn vị: triệu tấn/năm.

Các nhà máy nhiệt điện hiện sử dụng than nội tại miền Nam cũng cần xem xét chuyển sang sử dụng than trộn trong thời gian tới gồm: Vĩnh Tân II, Duyên Hải I. Tỷ lệ trộn sẽ phụ thuộc vào công nghệ của từng nhà máy, cần có nghiên cứu về tỷ lệ trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu cho các nhà máy này.

Theo kết quả tính toán của Dự thảo, đối với kịch bản cơ sở, nhu cầu nhập than nhập khẩu trung bình hàng năm là 35 triệu tấn vào năm 2030, 58 triệu tấn vào năm 2035, 72 triệu tấn vào năm 2040 và 74 triệu tấn vào năm 2045.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Nhập khẩu than - Hướng phát triển cho ngành nhiệt điện than trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới